Thực chất của kì thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Mặc dù dự thảo đề án kì thi THPT quốc gia mới được “hé lộ” nhưng đã có không ít ý kiến phản đối. Trong khi Bộ GD-ĐT đang lắng nghe ý kiến nhiều chiều thì dư luận lại có nhiều thông tin “nhiễu” làm cho phụ huynh, học sinh nơm nớp lo ngại.

Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long từng nhấn mạnh trước giới báo chí là, đừng bao giờ gọi kì thi THPT quốc gia là kì thi “hai trong một”. Mục đích của kì thi này là nhằm tăng thêm quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ.

Để làm rõ vấn đề này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với T.S Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT.

Là người trong ban soạn thảo đề án kì thi THPT quốc gia, ông có thể cho biết ý tưởng xây dựng dự thảo đề án kì thi THPT quốc gia dựa trên nguyên tắc nào?

Ý tưởng xây dựng dự thảo đề án kì thi THPT quốc gia dựa trên nguyên tắc cơ bản là đảm bảo cho kết quả thi đủ chính xác, tin cậy, để vừa công nhận tốt nghiệp, vừa làm một căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ; chuyển từ việc tuyển sinh ĐH, CĐ theo các khối với các môn quy định “cứng” (chẳng hạn, Toán, Vật lí, Hóa học với khối A) sang hình thức tuyển sinh theo ngành tùy yêu cầu của mỗi trường.

Việc làm này tạo cho thí sinh được chọn ngành nghề mà mình yêu thích và có “sở trường” nhất, còn các trường có quyền quyết định các môn thi phù hợp với ngành đào tạo đó.

Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

Cần hiểu là kì thi quốc gia phải đảm bảo phân hóa cao các mức trình độ của thí sinh để các trường có thể tuyển được những người có năng lực học ở cấp học cao hơn.

Cụ thể trong dự thảo đề án đề xuất các điều kiện: Thí sinh thi 5 môn để được công nhận tốt nghiệp THPT. Trong số 5 môn tốt nghiệp, rất có thể đã có tất cả các môn theo yêu cầu “đầu vào” ĐH, CĐ. Như vậy, tùy theo cách lựa chọn tối ưu, thí sinh chỉ thi 5 môn vẫn có thể được công nhận tốt nghiệp đồng thời được xét tuyển ĐH, CĐ.

Trường hợp ngành học đòi hỏi môn thi nào đó lệch với 5 môn tốt nghiệp, thì thí sinh phải thi thêm môn “tuyển sinh” theo yêu cầu của ngành học. Trong hầu hết các trường hợp, thí sinh có thể lựa chọn hợp lí để chỉ phải thi 5-6 môn cho cả 2 mục đích, vì các môn cơ bản (Toán, Văn, Ngoại ngữ) là những môn bắt buộc.

Vậy sau khi vượt qua kì thi này, thí sinh được xét tuyển trực tiếp vào trường ĐH mình đăng kí dự thi theo nguyên tắc lấy điểm từ trên cao đến đủ chỉ tiêu?

Đối với đa số các ngành học của các trường có thể tuyển bằng cách như vậy. Để tuyển vào một số ngành đặc thù, nhà trường có thể thêm những yêu cầu như năng lực diễn đạt, hiểu biết xã hội…

Ví dụ: Một ngành nào đó của trường sư phạm ngoại ngữ sẽ tuyển 200 chỉ tiêu, dựa trên kết quả của kì thi THPT quốc gia và nguyện vọng của thí sinh đăng kí học, trường có thể gọi 250 thí sinh điểm cao nhất đến phỏng vấn để chọn những thí sinh phát âm tốt, ngoại hình phù hợp… hoặc sàng lọc qua một kì thi quy mô nhỏ, nhẹ nhàng, do trường tổ chức.

Ông có thể cho biết chúng ta được gì khi tổ chức kì thi THPT quốc gia?

Kì thi THPT quốc gia là đánh giá đúng trình độ người học, kết quả thi có độ phân hóa cao, các trường có thể lấy làm một căn cứ quan trọng trong việc tuyển sinh.

Tổ chức kì thi THPT quốc gia có phải là hướng khả thi không, thưa ông?

Tổ chức một kỳ thi quốc gia như đã nói ở trên là hướng khả thi, đáp ứng được yêu cầu đổi mới thi cử, được đề ra ở Nghị quyết số 37/2004/QH11 là “tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực”; đồng thời quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, và tinh thần cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng
(Thực hiện)