Thực hư trường học bỏ hoang!

Đầu năm học mới, một số trường học tiền tỷ “bỏ hoang” tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai (Hà Nội) đã làm “nóng” dư luận, báo chí. Trong khi Hà Nội, nhiều quận nội thành học sinh còn thiếu chỗ học, thì ngay lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô cũng phải thừa nhận đó là một sự lãng phí.

Chưa sử dụng đã xuống cấp

Ba ngôi trường được nhắc đến là THCS Tân Hòa, THCS Cộng Hòa (huyện Quốc Oai), Trường Tiểu học thôn Hoàng Xá (xã Lại Thượng, Thạch Thất). Cùng cảnh ngộ khung trường khá khang trang nhưng không thể đưa vào sử dụng vì chưa hoàn thiện, đằng sau mỗi trường lại có một cảnh ngộ riêng.

Trường Tiểu học Hoàng Xá (Thạch Thất, Hà Nội).
Trường Tiểu học Hoàng Xá (Thạch Thất, Hà Nội).

Loạt ảnh về Trường THCS Tân Hòa (Quốc Oai) được đăng tải trên báo mạng khiến người xem xót xa. Bởi bên trong khu nhà 2 tầng nhìn bên ngoài bề thế là cảnh hoang tàn thảm hại. Bên trong lớp học, những viên gạch đỏ tươi chưa biết hơi chân người đã xô vào nhau, cong vênh, nứt nẻ; có chỗ gạch lật từng mảng như cái chiếu con làm trơ nền đất...

Hình ảnh gạch lát thủng lỗ chỗ vì bị lật, bị vỡ không chỉ ở lớp học mà hiện hữu khắp hành lang, ngoài sân trường. Tường nhà ám màu thời gian với vạt rêu xanh rì, trơn trượt.

Cũng trong một huyện, ngôi trường hoang THCS Cộng Hòa tại xã Cộng Hòa còn ám ảnh hơn với sân trường um tùm cỏ mọc, trời mưa là nước đọng thành vũng như ao tù. Dãy nhà hình chữ U mới chỉ kịp “đúc” ở dạng hình hài, lỗ chỗ khoảng tường chưa kịp trát xi măng trơ gạch đỏ.

Khung cảnh như còn nguyên khi đang thi công với ngổn ngang giàn giáo, cành cây khô gẫy. Được biết, dự án Trường THCS Cộng Hòa được triển khai xây dựng từ đầu năm 2011, với thời hạn khoảng 9 tháng.

Nhìn từ xa, Trường Tiểu học thôn Hoàng Xá (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) xây hai tầng khá nổi bật với nền sơn vàng, mái xanh mát mắt. Thế nhưng, mặt trước do phơi sương gió nên tường đã xuất hiện hàng vệt mốc. Thời điểm đầu tháng 9, sau khi có phản ánh của báo chí, khu trường 5 năm liền chưa xây xong này đã tiếp tục được xây dựng. 

Được biết, nhà thầu thi công Trường THCS Tân Hòa và Cộng Hòa là Xí nghiệp Xây dựng Trường Sơn. Thông tin từ nhà thầu, nguyên nhân trường học bỏ hoang lâu đến thế là do quá khó khăn về vốn; trong khi đó, đang thời điểm suy thoái kinh tế nên không thể vay từ ngân hàng để tiếp tục thi công. 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Nga thừa nhận hiện có 2 trường học bỏ hoang tại huyện Quốc Oai, trong đó một trường nguyên nhân là do thiếu khoảng 700 triệu đồng - nguồn kinh phí của xã nhưng xã chưa lo được.

Bà Nga còn đưa thêm thông tin một trường mầm non tại huyện Phúc Thọ cũng bị “bỏ hoang” do xây không đúng quy chuẩn, phòng học quá nhỏ nên chủ sử dụng là nhà trường không tiếp nhận.

Bà Nga cho biết: Ngôi trường này xây nhưng không có sự tham gia của ngành Giáo dục, không tham khảo điều lệ trường học, không thực hiện theo đúng quy chuẩn về xây dựng,... Mỗi lớp học mầm non phải rộng từ 80 - 100 m2, không như lớp học phổ thông bình thường và phải có sân chơi, nhưng ngôi trường này không đảm bảo được điều đó.

Sớm thoát cảnh trường hoang

Thực hư trường học bỏ hoang!
Dãy nhà khang trang nhất của trường THCS Tân Hòa (Quốc Oai) trở thành vật trang trí gần 3 năm nay... 

Khẳng định số trường học bỏ hoang là có nhưng không nhiều, Phó Giám đốc Phạm Thị Hồng Nga cho biết thêm: Ngay sau khi biết thông tin này Sở GD&ĐT đã có báo cáo gửi UBND thành phố. Sở GD&ĐT Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, tuy nhiên không phải một mình Sở GD&ĐT quản lý về việc xây dựng trường học mà còn có nhiều sở, ngành khác liên quan. Nhưng với trách nhiệm của mình, Sở GD&ĐT đã ngay lập tức có văn bản gửi đến các quận, huyện để yêu cầu báo cáo. Hiện huyện Quốc Oai cũng đã có báo cáo gửi lên.

“Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu huyện bố trí đủ kinh phí, không để trường học xây dựng quá kéo dài. Trong khi học sinh chưa đủ chỗ học mà trường lại bỏ lãng phí thì không thể được. Về phía huyện cũng đã có báo cáo và thực tế đã phải kiểm điểm vì làm chậm tiến độ.

Cụ thể như huyện Quốc Oai báo cáo bàn giao trường đưa vào sử dụng ngày 15/10. Một trường ở Thạch Thất cũng vậy, huyện đã ngay lập tức tiếp tục bổ sung kinh phí. Có thể nói, các huyện đã tiếp thu, vào cuộc nhanh chóng, rút kinh nghiệm kịp thời; sự việc đáng tiếc nói trên chỉ là chậm tiến độ trong một thời gian ngắn chứ không có trường nào bỏ hoang tàn lâu năm” - bà Nga cho hay.

Được biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trước sự việc này đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra các trường học xuống cấp, thiếu phòng học, các công trình đang xây dựng dang dở để chỉ đạo bổ sung nguồn lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Cùng với việc lưu ý chọn nhà thầu đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm, Bà Ngọc cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát, đồng thời, công khai các thông tin của dự án để nhân dân vùng dự án biết, cùng tham gia giám sát.

Theo Hải Bình
GD & TĐ