Tiền cho giáo dục nhiều, tại sao vẫn tăng học phí?

Trong 5 vấn đề mà Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội đem ra bàn tại hội thảo khoa học về GD - ĐT và khoa học - công nghệ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập diễn ra hôm 14/10, nổi cộm là hai đề án tăng học phí và đổi mới giáo dục đại học.

Ngoài ra còn có chuyện nguồn tiền để tăng lương cho cán bộ khoa học đầu ngành; thay đổi hay giữ nguyên cách làm sách giáo khoa hiện nay; điều kiện để mở rộng qui mô tuyển sinh đại học; cách chi tiêu cho giáo dục.

 

"Nếu chúng ta hạn chế những khoản chi tiêu kém hiệu quả và lãng phí như thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông, học thêm, sao chép, cải cách, hội họp, bộ máy quản lý cồng kềnh thì thừa tiền để miễn giảm học phí và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên" - GS Hoàng Xuân Hãn khẳng định.

 

GS Phạm Minh Hạc cũng công nhận: "Chi tiêu đúng là có nhiều vấn đề, nhất là chi mời chuyên gia và làm sách. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý những dự án quốc tế được Chính phủ đồng ý chứ không biết gì về tài chính. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không có quyền hạn gì lắm về tài chính, trừ những dự án quốc tế. Chỉ một số liệu ở một lĩnh vực mà 3 bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và GD-ĐT cung cấp 3 nơi cho 3 con số khác nhau!".

 

Dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng 900 trường đại học, cao đẳng với tổng số 4,5 triệu sinh viên (40% học từ xa, 20% qua mạng, 40% chính qui - 1,8 triệu sinh viên, tổng kinh phí đầu tư cho đề án này là 20 tỉ USD). Mô hình được làm mẫu là Nhật Bản đang có 900 trường đại học, cao đẳng với khoảng 115 triệu dân. So sánh GDP của Nhật là 6.000 tỉ USD, GDP Việt Nam là 40 tỉ USD, GS Hãn và nhiều giáo sư khác cho rằng đề án đổi mới giáo dục đại học của ta là chưa có cơ sở pháp lí vì hiện chưa có qui hoạch mạng lưới các trường đại học trong toàn quốc cũng như thiếu cơ sở kinh tế và khoa học - công nghệ.

 

 

Theo Kiều Hương

Thanh Niên