Tiến độ đổi mới sách giáo khoa chậm do không khoa học

Sự chậm trễ này là do lỗi của Bộ GD-ĐT khi thực hiện Dự thảo Đề án đổi mới sách giáo khoa không đúng quy trình và khoa học.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức xin lùi thời hạn trình Quốc hội xem xét Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015. Một trong những lý do được Bộ đưa ra là Dự thảo Đề án còn một số vấn đề cần được bổ sung, thẩm định kỹ lưỡng, đặc biệt là số kinh phí để thực hiện.

Nhận định về việc làm trên của Bộ GD-ĐT, phóng viên báo điện tử VOV phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 vừa chính thức được Bộ GD-ĐT công bố xin rút trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp vào tháng 5 này. Xin ông cho biết ý kiến về việc làm trên của Bộ GD-ĐT?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Qua ý kiến từ dư luận xã hội, các đại biểu tại phiên họp lần thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 cần phải được chuẩn bị kỹ càng hơn. Vấn đề về kinh phí yêu cầu cần phải có quy trình thẩm tra của các cơ quan chức năng của Chính phủ.

GS.TSKH Đào Trọng Thi
GS.TSKH Đào Trọng Thi.

Thực ra, trong kỳ họp Quốc hội tới, Bộ GD-ĐT muốn Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết cho Đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015. Thế nhưng, trước khi xem xét, thông qua một Nghị quyết mới về đổi mới SGK thay thế Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì Quốc hội phải đánh giá lại Nghị quyết 40 như thế nào để từ đó các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến cần sửa đổi, bổ sung, đổi mới những gì.

Tuy nhiên, trong hồ sơ cho Dự thảo mà Bộ GD-ĐT trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có báo cáo tổng kết Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. 

Hơn nữa, Bộ GD-ĐT quan niệm đơn giản là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát và ra Nghị quyết về vấn đề đối mới chương trình, SGK sau 2015 thì có thể trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, báo cáo giám sát đó không thể là báo cáo thay thế của Bộ về Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 đối với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Báo cáo tổng kết Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 phải được tổng hợp, phân tích từ hệ thống giáo dục từ Trung ương cho đến địa phương. Vì những quy trình thiếu chặt chẽ trên nên tôi nghĩ, việc Bộ GD-ĐT xin lùi thời hạn trình Quốc hội Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 là hoàn toàn hợp lý.

Tiến độ đổi mới SGK bị chậm trễ vì quy trình thiếu khoa học

PV: Được biết, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị cho Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 từ năm 2011. Nếu lần này hoãn trình Dự thảo Đề án lên Quốc hội xem xét thì liệu rằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đổi mới SGK nói riêng hay đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hay không, thưa ông?

GS.TS KH Đào Trọng Thi: Đúng là Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 đã được Bộ GD-ĐT rậm rịch chuẩn bị từ năm 2011. Thế nhưng, cho đến nay, nếu như Bộ GD-ĐT chưa có tổng kết Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 đối với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì việc đổi mới chương trình, SGK sau 2015 để thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đúng là coi như bị chậm chễ. Sự chậm chễ này là do lỗi của Bộ GD-ĐT khi thực hiện Dự thảo Đề án không đúng quy trình và khoa học.

Nếu xét ở góc độ khác là nếu vì chạy đua với thời gian để làm “ẩu” một Đề án lớn mà có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội thì nguy hại vô cùng. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT hoãn trình Quốc hội Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 trong kỳ họp tới là hoàn toàn đúng đắn để Bộ có thêm thời gian hoàn chỉnh các bước đi cần thiết, kỹ lưỡng cho hoàn tất hồ sơ về Dự thảo Đề án trước khi trình lên Quốc hội một cách nghiêm túc, đầy đủ luận cứ chắc chắn.

Đổi mới SGK chỉ cần vài trăm tỷ đồng mà vẫn hiệu quả

PV: Trong dư luận xã hội đang rất hoang mang với số tiền lên tới trên 34.000 tỷ đồng cho Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015. Ông có nhận định gì về số tiền mà Bộ GD-ĐT đưa ra và theo ông, chúng ta cần phải đầu tư như thế nào để đảm bảo có được bộ SGK tốt, hiệu quả nhưng lại tiết kiệm nhất?

GS.TS KH Đào Trọng Thi: Nếu Bộ GD-ĐT đưa ra các con số mà đã qua quá trình thẩm định, sử dụng vào làm những việc gì, có hiệu quả, cần thiết không thì chắc chắn sẽ không có sự băn khoăn của dư luận xã hội. Hầu hết người dân đều mong nền giáo dục có sự đổi mới, bởi như vậy sẽ gắn với quyền lợi của toàn dân, của con em chúng ta. Cho dù có đầu tư tốn kém thì cũng phải đổi mới.

Thế nhưng, để thực hiện Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015, Bộ GD-ĐT không giải trình rõ số tiền lên đến trên 34.000 tỷ đồng có phải chỉ dùng để viết chương trình, SGK hay còn nhiều vấn đề, công việc khác phục vụ trực tiếp, gián tiếp cho đổi mới SGK.

Tôi cho rằng, khoản tiền trực tiếp để phục vụ cho viết SGK và triển khai thực hiện chương trình SGK mới phù hợp với điều kiện giáo dục thực tế hiện nay sẽ không nhiều (khoảng vài trăm tỷ đồng). Số tiền lên đến trên 34.000 tỷ đồng là do Bộ GD-ĐT dự tính để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học để phát triển giáo dục trong tương lai. Chính sự ghép chung 2 số tiền dự toán trên khiến toàn bộ kinh phí của Dự thảo Đề án vượt trội nên dư luận mới hoang mang, lo lắng, thậm chí là hoài nghi về hiệu quả khi của số tiền lớn đó khi đem ra thực hiện đổi mới chương trình, SGK.

Theo tôi, với điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn của nước ta hiện nay thì Bộ GD-ĐT chỉ nên chuẩn bị những điều kiện tối thiểu về giáo viên và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện đổi mới trực tiếp chương trình SGK mới. Còn phần mở rộng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất trường học cho tương lai chỉ có thể thực hiện từng bước trong điều kiện kinh tế và ngân sách của Nhà nước khả quan hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Chu Miên
VOV online