Tiến sĩ giấy và ăn nhậu nhiều

Trong các cuộc gặp mặt thanh niên mới đây, lãnh đạo một số địa phương đặt ra những vấn đề sát sạt với cuộc sống, đòi hỏi giới trẻ tham gia xây dựng đất nước với tinh thần trách nhiệm công dân cao nhất. Rất vui mừng vì các bài diễn văn ồn ào sáo rỗng ngày càng ít đi, nhường chỗ cho những điều gần gũi với con người.


Thanh niên Việt Nam ngồi cà phê và nhậu nhẹt là một thực trạng xã hội.

Thanh niên Việt Nam ngồi cà phê và nhậu nhẹt là một thực trạng xã hội.

Hiện nay có những bạn trẻ rất giỏi nhưng quá lẻ loi so với số đông có lối sống tiêu cực. Thanh niên ngồi cà phê và nhậu nhẹt là một thực trạng xã hội, cho nên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nói đến tại cuộc “Đối thoại tháng 3” với thanh niên như một sự cảnh tỉnh. Đất nước được xem là có “dân số vàng”, nhưng thanh niên suốt ngày ăn nhậu thì vàng đó là vàng mã.

Các bạn trẻ thừa hiểu ngồi vài giờ trên bàn để học hành sẽ có lợi cho tương lai, các bạn cũng biết chắc rằng ngồi trước máy tính để học tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội tốt đẹp. Thế nhưng, nhiều người đã đốt thời gian tuổi trẻ của mình ở các quán cà phê và tiệm rượu. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu phát biểu rằng: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”. Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học Việt Nam nhận học bổng từ các nước, nhưng không thực hiện được hết vì giảng viên cử đi không đáp ứng được tiêu chuẩn tiếng Anh. Tụt hậu là đây.

Ăn chơi đua đòi chẳng đem lại điều gì cho bản thân và xã hội, nhưng học hành vớ vẩn cũng vô dụng. Học có bằng cấp để làm gì khi tấm bằng đó chỉ là mảnh giấy màu trang trí trong phòng khách. Tại cuộc gặp giữa thanh niên với lãnh đạo thành phố, tiến sĩ Trần Hữu Lộc - giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - bày tỏ: “Tại sao bây giờ nói tiến sĩ giấy nhiều quá. Bản thân tôi là tiến sĩ nghe rất đau đầu”.

Tiến sĩ giấy nhiều đến mức nào chưa ai đếm, nhưng chỉ cần nhìn thực tế của đất nước là biết được chất lượng của nền học thuật, đóng góp của các khoa học gia trong nước. Trí thức trẻ phải “đau đầu” nhiều hơn khi thấy dân mình nghèo, nước mình lạc hậu, hơn là hao tổn tâm trí tìm kiếm cho bản thân các loại bằng cấp.

Người trẻ mang hoài bão trở thành thủ tướng hay bí thư, chủ tịch như lời động viên của Bí thư Nguyễn Xuân Anh là quá tốt. Tuy nhiên, trước khi làm việc lớn, xin hãy làm những việc nho nhỏ thôi, đó là biết xếp hàng và đừng xả rác, đi đúng luật giao thông, ăn mặc và nói năng lịch sự. Chỉ cần thanh niên Việt Nam làm được những việc nhỏ đó, đất nước này đã lớn hẳn lên.

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động