ĐH Quốc gia TPHCM:

Tiến tới áp dụng đại trà mô hình “học đi đôi hành” khung quốc tế

(Dân trí) - Một mô hình học nhằm phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên đã được ĐH Quốc gia TPHCM thí điểm được 5 năm. Từ những những thành tựu đạt được cũng như chuẩn bị cho hội nhập quốc tế, ĐHQG sẽ tiến tới áp dụng đại trà tại các trường trong hệ thống .

Hiện nay, trên thế giới, mô hình học tập với giải pháp tiếp cận toàn diện, một khung chuẩn giáo dục sáng tạo với nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đổi mới và cải cách giáo dục và đào tạo một cách có hệ thống (gọi tắt là CDIO) đã được nhiều nước áp dụng thành công

Tại ĐH Quốc gia TPHCM, ngay từ những năm 2010, mô hình CDIO đã được áp dụng thí điểm tại hai ngành Kỹ thuật Cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa và ngành Máy tính - CNTT tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Sau 5 năm, mô hình đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế đang phát triển nhanh và xu hướng hội nhập quốc tế.

Đến nay, đã có trên 8.000 sinh viên được học chương trình CDIO. Chương trình này được sinh viên phản hồi tích cực với chuẩn đầu ra rõ ràng, chú trọng phát triển hiệu quả các kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp mà xã hội yêu cầu.
 
Tiến tới áp dụng đại trà mô hình “học đi đôi hành” khung quốc tế
ĐH Quốc gia TPHCM khen thưởng cho cán bộ và tập thể đã góp phần đưa thành công mô hinh CDIO vào quá trình đào tạo.

Từ 2 ngành ban đầu, đến nay, CDIO đã được áp dụng đại trà cho 4 trường, 20 khoa, 45 ngành học thuộc khối ĐH Quốc gia TPHCM. TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, trong năm 2013 và 2014 trường mạnh dạn áp dụng mô hình này cho toàn bộ 33 ngành đào tạo của trường.

Ngoài ra, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM sẽ áp dụng cho 6 ngành học và ĐH Công nghệ thông tin 5 ngành. Dự kiến đến năm 2015, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có khoảng trên 60 ngành của các trường thành viên tham gia triển khai CDIO.

Tổng kết chương trình sau 5 năm thí điểm, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức trên 50 khóa huấn luyện và phát triển chương trình về CDIO. Trên 2.400 lượt giảng viên, cán bộ được bồi dưỡng về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thiết kế và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra.

“Không gian thực hành, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cũng được tăng cường đầu tư tại tất cả trường tham gia triển khai, quy mô sinh viên thụ hưởng cũng vì thế mà tăng dần. Phía sinh viên cũng có phản hồi tốt bởi so với các chương trình đào tạo khác, mô hình CDIO giúp các em có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo, thực hành kỹ năng công việc nhiều hơn. Điều này giúp các em không phải bỡ ngỡ khi ra trường, khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp cũng cao hơn. Đồng thời, các công ty tuyển dụng cũng không phải mất quá nhiều công sức để đào tạo lại nguồn nhân sự”, TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết.

Lê Phương

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!