Tiếng Anh và bản sắc văn hoá dân tộc

(Dân trí) - Hoa hậu Indonesia 2009 đã khiến nhiều người thán phục khi cô có đến 6 bằng đại học và có thể trả lời lưu loát mọi câu hỏi bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều ngạc nhiên nhất về cô hoa hậu 22 tuổi này…

Việc dạy và phổ biến tiếng Anh, với tư cách là một ngôn ngữ toàn cầu, đang giúp cho nhiều quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng đang đặt ra nhiều thách thức tại những nước đang phát triển trong việc giữ được bản sắc riêng về văn hóa - đặc biệt là ngôn ngữ - của quốc gia mình.

 

Từ câu chuyện Hoa hậu không nói được tiếng mẹ đẻ
Tiếng Anh và bản sắc văn hoá dân tộc - 1

 

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Indonesia 2009 diễn ra vào ngày 5/6 vừa qua, cô gái Indonesia Kerenina Sunny Halim, 22 tuổi đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi trả lời lưu loát bằng tiếng Anh trước các câu hỏi của Ban Giám khảo và đánh bại 32 ứng cử viên khác để đoạt vương miện Hoa hậu. Không chỉ có sắc đẹp, Halim đoạt vương miện vì cô thực sự gây ấn tượng với Ban Giám khảo cuộc thi khi cô có tới sáu bằng đại học, bao gồm các lĩnh vực quan hệ công chúng, marketing, sư phạm, kinh tế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc.

 

Tuy nhiên, cô gái tài sắc, đến từ Jakarta, có mẹ là người Mỹ, cha người Indonesia này còn gây ngạc nhiên hơn bởi cô phải rất chật vật khi nghe và trả lời những câu hỏi của Ban Giám khảo bằng tiếng Indonesia. Halim thậm chí phải cần đến phiên dịch mới hiểu được câu hỏi của Ban Giám khảo. Cô phải xin phép trả lời bằng tiếng Anh.

 

Theo Yusuf Iman, ngôi sao truyền hình Indonesia và là anh trai của tân Hoa hậu, Halim không thể nói tiếng Bahasa trôi chảy vì cô được học tại gia khi còn nhỏ, hiếm khi ra ngoài nên ít có cơ hội thực hành ngôn ngữ của chính quốc gia mình.

 

Chìa khóa thành công trong thời đại toàn cầu hóa

 

Tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, mà còn là ngôn ngữ hỗ trợ trong hoạt động khoa học quốc tế. Hiện nay, trên 80% các tập san khoa học trên thế giới sử dụng tiếng Anh. Ngay cả tập san khoa học tại các nước không nói tiếng Anh ở Bắc Âu và Nhật Bản cũng được xuất bản bằng ngôn ngữ này.

 

Trong tình hình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, những người có thể nói tiếng Anh thành thạo được coi là đã nắm trong tay một trong những chìa khóa quan trọng nhất cho sự thành công. Ở nhiều quốc gia đang phát triển châu Á như Malaysia, Brunei, Singapore, Indonesia, tiếng Anh đang được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai.

 

Quá nửa số trường tiểu học ở Trung Quốc đã đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy của mình, và tổng số người nói tiếng Anh ở Trung Quốc và Ấn Độ đã lên tới 500 triệu người - lớn hơn cả tổng số người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ trên khắp thế giới cộng lại. Số người học tiếng Anh trên thế giới vẫn tiếp tục tăng và sẽ đạt đến mức khoảng 2 tỷ người vào năm 2010.
Tiếng Anh và bản sắc văn hoá dân tộc - 2

Nhiều quốc gia châu Á đã đưa tiếng Anh thành ngôn thứ 2 trong các trường học.

 

Hàn Quốc cũng là một trong những ví dụ điển hình về việc chạy đua phổ biến tiếng Anh. Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra một kế hoạch trị giá 4,2 tỷ USD nhằm khắc phục sự yếu kém về tiếng Anh của học sinh Hàn Quốc và biến quốc gia Đông Á này thành một trong những nước nói tiếng Anh hàng đầu châu Á trong 10 năm tới.

 

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng đã nhận được nhiều đề nghị của những phụ huynh học sinh và một số nhà hoạch định chính sách giáo dục về việc chuyển sang dạy các môn học trong nhà trường bằng tiếng Anh, trong đó có cả môn lịch sử Hàn Quốc.

 

Ranh giới giữa hội nhập và hòa tan

 

Tuy nhiên, dư luận ở một số nước cũng đã không khỏi quan ngại về mặt trái của toàn cầu hóa nói chung, cũng như trong sự phổ biến quá mức của tiếng Anh nói riêng, có thể dẫn đến việc ngôn ngữ toàn cầu này được giới trẻ sử dụng để thay thế tiếng mẹ đẻ. Sự lưu giữ bản sắc riêng của mỗi dân tộc càng gặp nhiều khó khăn khi nhịp sống hiện đại đang ồ ạt tấn công vào lớp người trẻ, năng động và sẵn sàng tiếp nhận sự đổi mới, như trong trường hợp của Hoa hậu Indonesia 2009 Kerenina Sunny Halim ở đầu bài.

 

Để điều chỉnh việc này, ngành giáo dục Malaysia đã ra quyết định năm 2012 sẽ  ngưng việc giảng dạy 2 môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh đối với học sinh lớp 1, lớp 4 (bậc tiểu học ở Malaysia gồm 6 khối lớp) và học sinh trung học. Thay vào đó, 2 môn này sẽ được giảng dạy bằng tiếng Bahasa, ngôn ngữ chính thức của Malaysia. Các trường học địa phương có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc ở địa phương đó, như tiếng Hoa hoặc Tamil.  Việc Malaysia áp dụng thay đổi chương trình giáo dục giữa chừng đối với học sinh lớp 4 đã gây không ít tranh cãi trong dư luận nước này.

 

Trước đó, từ năm 2006, Malaysia cũng đã áp dụng hình thức phạt tiền (khoảng 272 USD) nếu các nhà lập pháp và quan chức sử dụng tiếng Anh trong Quốc hội và các hoạt động khác của chính phủ.

 

Còn tại Indoneisa, sau cuộc thi Hoa hậu 2009, dư luận nước này cũng bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ mai một của ngôn ngữ và văn hóa quốc gia.

 

Được biết, sau khi đoạt vương miện Hoa hậu Indonesia 2009, Tân Hoa hậu Indonesia Kerenina Sunny Halim đã tuyên bố kế hoạch đầu tiên của cô là học tiếng mẹ đẻ và nỗ lực tìm hiểu văn hoá Indonesia để có thể tham dự tốt cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2009 diễn ra tháng vào tháng 12/2009 tại Johannesburg (Nam Phi).

 

 Vũ Anh Tuấn
Theo Reuters và báo chí nước ngoài