Tiếng kẻng “gọi trò” ở Thào Xua Chải

Hơn 10 năm lặn lội cùng thầy cô “cắm bản”, Sùng A Vàng chưa một ngày “tắt lửa” niềm đam mê mang con chữ về bản.

Khi sân trường vắng tiếng kẻng

Điểm trường Thào Xua Chải ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn lặng như tờ,mặc dù khai giảng đã lâu. Thầy Phùng Quang Sáng và vợ là cô giáo Ngụy Thanh Hương, lên đây dạy học từ ngày đầu tiên thành lập điểm trường vào năm 1998, chưa bao giờ thấy xót xa như thế khi chứng kiến cảnh tượng này. Ngày trước, trường còn ở dưới chân núi, tình trạng thiếu học sinh là chuyện thường tình, vì bà con dân tộc Mông ở Nậm Có chỉ sống trên cao. Giờ trường chuyển lên cao cho thuận lợi, học sinh lại còn ít hơn.

Nhớ ngày đầu điểm trường này thành lập, thầy đã nghĩ ra cách treo một chiếc kẻng làm từ mảnh vỡ của quả bom để gọi học sinh. Nhưng càng gọi càng thiếu bóng các em, vì ngay từ lúc nhỏ chúng đã phải theo cha mẹ lên nương.

Nhiều đêm, cô Hương gục vào vai chồng nức nở. Cô khóc vì thương hoàn cảnh các em nghèo quá, bố mẹ chúng không đủ gạo nuôi con tới trường. Cô cũng khóc vì làm giáo viên mà không có học sinh. Vậy là hai vợ chồng cứ ngày nọ, tháng kia nhìn chiếc kẻng treo trên cột lớp buồn tênh. Nhưng vẫn có 2 học sinh dân tộc Mông gần trường ngày ngày đến lớp. Chúng là con của Sùng A Vàng. Cả Thào Xua Chải chỉ có Sùng A Vàng nói sõi tiếng phổ thông.

Tiếng kẻng “gọi trò” ở Thào Xua Chải  - 1
Học sinh ở Thào Xua Chải.

Sân trường Thào Xua Chải chỉ còn lại chiếc kẻng. Thi thoảng, vài đứa trẻ con sang đánh leng keng. Sùng A Vàng đã nhiều lần đứng trước chiếc kẻng đó. Anh biết điểm trường này chỉ có 2 đứa học sinh. Và anh quyết định cho con mình nghỉ học, vậy là sân trường chỉ còn lại chiếc kẻng sắt đìu hiu trong lặng ngắt.

“Để tao dạy tiếng Mông cho thầy cô”

Đã bao nhiêu lần thầy, cô lên các bản như Làng Giàng, Tà Ghênh để vận động học sinh tới lớp nhưng đều không có kết quả vì chưa quen địa bàn, không hiểu và nói được tiếng của người Mông. Có nhiều gia đình học sinh ở rất xa, đi bộ nửa ngày đường chưa tới nơi, thậm chí phải ngủ lại nếu gặp trời mưa. Sau này, nhiều thầy cô được tăng cường lên đây cũng không thể cải thiện được tình hình.

Một lần, khi đang làm nương, Sùng A Vàng thấy thầy Trịnh Văn Hoàng và những giáo viên khác đang trao đổi, vận động để ông Giàng Seo Vảng cho con tới lớp, nhưng họ nói câu gì ông Vảng cũng lắc đầu không hiểu. Sùng A Vàng vội chạy xuống bảo: “Thầy cô, để tao nói cho”. Anh dùng tiếng của đồng bào để truyền đạt lại lời thầy Hoàng cho ông Giàng Seo Vảng hiểu và ông này gật đầu liên tục.

Mấy hôm sau, ông Vảng trực tiếp dẫn con mình tới lớp, theo sau còn có mấy cặp gia đình khác. Lớp học từ đó dần đông hơn. Thế là thầy cô đã hiểu, bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất không chỉ trong công tác tuyên truyền, vận động mà còn khiến họ “bất lực” khi lên lớp dạy chữ cho các em.

Sùng A Vàng xuống nói với thầy cô trong trường: “Muốn đông học sinh thì phải biết tiếng của nó đấy. Từ ngày mai, để tao dạy chữ cho thầy cô, dạy xong tao lại đưa thầy, cô xuống bản vận động. Khi nào bọn mày nói sõi tiếng Mông rồi thì tự mà đi”. Sau lần ấy, mỗi khi xuống nương, đêm nào Sùng A Vàng cũng xuống điểm trường Thào Xua Chải để dạy tiếng Mông và học tiếng Kinh. Hôm sau, anh lại cùng mọi người trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động các em.

Đời sống của bà con ở đây rất nghèo. Phần lớn giáo viên phải quyên góp tiền lương mua sách vở, quần áo cho các em nhưng chúng vẫn nghỉ học ở nhà trông em hoặc lên nương kiếm cái ăn cùng bố mẹ. Đội ngũ giáo viên trong điểm trường đều là người miền xuôi nên không am hiểu hết phong tục, tập quán của bà con.

Suốt trong 3 năm, người ta vẫn thấy Sùng A Vàng đồng hành cùng thầy cô lặn lội đêm ngày đến các gia đình vận động các em tới học chữ. Nhiều người không nghĩ anh là một người Mông, mà tưởng rằng là một thầy giáo ở dưới xuôi lên nhận công tác. Do thông thạo địa hình, cùng là người Mông nên việc tuyên truyền của anh đem lại kết quả rất cao.

Nhớ ngày đầu, lớp học chỉ có 2 - 3 học sinh, thậm chí có lúc chỉ còn lại mỗi chiếc kẻng, vậy mà giờ đây học sinh đua nhau đến học. Nhiều gia đình ở xa, bố mẹ phải đưa con đi và giờ học họ cũng ngồi luôn trong lớp, thành ra người lớn cũng biết tiếng phổ thông nhiều hơn. Trưởng bản Giàng A Dê họp dân bản lại và thống nhất bầu Sùng A Vàng vào Ban bảo trợ giáo viên, vừa làm công tác tuyên truyền vận động, vừa cùng giáo viên đứng lớp để phiên dịch “song ngữ” cho cô và trò.

Tiếng kẻng “gọi trò” ở Thào Xua Chải  - 2
Sùng A Vàng và vợ bên chiếc kẻng.

Tình nguyện vì con chữ vùng cao

Mặc dù chưa nhận được một đồng lương nào, nhưng Sùng A Vàng vẫn miệt mài với công việc. Thương anh vất vả, một số thầy cô đã góp tiền, gạo, muối để ủng hộ anh chút ít nhưng anh không nhận. Anh bảo: “Tao nhận gạo này khác nào tao “cướp” cơm của dân bản tao. Vì không nhận, tao biết thầy cô cũng cho học sinh dân bản thôi”.

Tôi lặng lẽ nhìn theo Sùng A Vàng lấy từng đoạn xích xe đạp cuốn chặt vào chiếc lốp “Con Uây Tàu”. 2h sáng nay anh mới xuống núi, vậy mà giờ lại lên đó ngay. Có lẽ cái bụng rỗng tuếch kia đang sôi lên ùng ục vì đói và rét. Đường vùng cao là thế, chỉ mưa một tí đã trơn như đổ mỡ, nên phải cuốn xích xe đạp vào bánh xe máy để làm tăng ma sát. Từ ngày thành lập trường đến nay, đã 13 năm anh cùng thầy cô lặn lội tới trường. Vợ anh ở nhà một mình nuôi các con, để chồng giúp thầy cô đem cái chữ về cho bản làng.

Thế mới biết hành trình đến với cái chữ của người vùng cao vất vả như thế nào. Điểm trường Thào Xua Chải hiện nay đã khá đông học sinh và tất cả các em đều là dân tộc Mông. Hơn 10 năm lặn lội từ ngày còn là một chàng thanh niên, đến nay, Sùng A Vàng vẫn chưa một ngày “tắt lửa” niềm đam mê ấy. Hôm nay, anh và các thầy cô giáo nơi đây đã không còn vất vả lặn lội đêm ngày để gõ cửa từng nhà tìm học sinh, bởi chiếc kẻng treo nơi sân trường chỉ cần “thỉnh lên”, học sinh đã bảo nhau cắp sách xuống núi.

Theo Hoàng Nghiệp/Báo TNVN