Tiếp tục phanh phui các sinh viên “rởm”

Chiều 5/4, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Lê Quán Tần cho biết, ngoài vụ làm giả giấy trúng tuyển nguyện vọng 2 vừa bị phát hiện, một số trường hợp gian lận khác cũng đang được đưa ra ánh sáng. Các sinh viên này sẽ bị đuổi học và cấm thi đại học 3 năm.

Tại sao những học sinh gian lận này lại dễ dàng lọt vào các trường đại học như vậy, thưa ông?

 

Mùa tuyển sinh 2004, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (trường dự thi) sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu. Ví dụ thí sinh thi vào trường A trượt, sẽ được trường này cấp giấy chứng nhận kết quả để đăng ký vào trường B. Ở đây các thí sính đã làm giả giấy chứng nhận kết quả thi để "lừa" trường B. Ví dụ kết quả thi 3 môn được 15 điểm, trong giấy chứng nhận kết quả thi giả, điểm các thí sinh lên tới 20-22 điểm. Nhờ số điểm cao như vậy nên thí sinh dễ dàng trúng tuyển nguyện vọng 2. Đây là một thủ đoạn gian lận mới trong mùa tuyển sinh 2004.

 

Kết thúc mỗi mùa tuyển sinh, Bộ đều yêu cầu các trường làm công tác kiểm tra thí sinh trúng tuyển. Tại sao đến bây giờ những sinh viên "rởm" này mới bị phát hiện?

 

Sau khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các trường mới bắt đầu công tác hậu kiểm, khoảng tháng 9-10. Khâu kiểm tra gồm các phần như đối chiếu chữ viết trong bài thi với chữ viết của thí sinh, rà soát các loại giấy tờ nhập học như: giấy ưu tiên khu vực, đối tượng, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận kết quả thi đại học...

 

Đối với các trường hợp trúng tuyển nguyện vọng 2, các trường sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả thi về trường thí sinh dự thi (nguyện vọng 1) để nhờ kiểm tra họ tên, năm sinh, điểm thi của em đó có đúng như trong giấy chứng nhận không. Nhờ biện pháp kiểm tra này mà các trường hợp làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đã bị phanh phui. Công tác kiểm tra có thể kéo dài 1-3 tháng, tùy tiến độ làm việc của các trường. Đến đầu năm nay, các trường đều đã có báo cáo gửi về Bộ GD&ĐT.

 

Ngoài các trường hợp vừa bị phát hiện, còn các trường hợp gian lận nào khác không?

 

Sau mỗi mùa tuyển sinh trung bình có khoảng 60-70 trường hợp gian lận bị phát hiện. Có nhiều hình thức gian lận như thi hộ, thi kèm; khai hồ sơ gian dối để hưởng điểm ưu tiên; tẩy xóa, làm giả bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận kết quả thi đại học... Thủ đoạn gian lận cũng ngày càng tinh vi hơn. Đối với trường hợp làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học để trúng tuyển nguyện vọng 2, ngoài ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Nông nghiệp, còn có một số trường khác ở ĐH dân lập Hải Phòng.

 

Công an Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường rà soát ngay số sinh viên nhập học theo nguyện vọng 2 để phát hiện tiếp các trường hợp gian lận. Bộ đã có kế hoạch gì chưa?

 

Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải làm tốt công tác hậu kiểm. Nếu làm tốt công tác này thì việc phát hiện các gian lận không quá khó. Theo tôi được biết, vụ án vừa qua đã có sự phối hợp tốt giữa lực lượng công an và lãnh đạo các trường. Trong thời gian tới, Bộ sẽ yêu cầu các trường làm mạnh hơn nữa công tác kiểm tra thí sinh trúng tuyển.

 

Theo VnExpress

Dòng sự kiện: Sinh viên rởm