Tiêu cực “chạy trường” liệu có giải quyết được triệt để?

(Dân trí) - Trong suốt hơn 30 ngày tiêu cực phát sinh chồng chất tiêu cực, trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM - ngôi trường có bề dày một thế kỷ trưởng thành và phát triển này luôn “ngập” trong nước mắt: nước mắt của phụ huynh, của giáo viên và của tất cả những ai có lòng tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Sở GD-ĐT TPHCM vô can?

 

Trước sự lộng hành một cách khác thường của bà hiệu trưởng Trần Thanh Vân và việc suýt để “lọt tội” một cách khá dễ dãi của Sở GD-ĐT TPHCM đối với trường hợp này, nhiều ngày qua đã gây trong dư luận sự bức xúc. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí thì vụ tiêu cực chạy trường này sẽ có kết thúc khá yên ả khi chỉ một vài cá nhân nhận hình thức kiểm điểm và sự việc sẽ bị chìm xuồng.

 

Dù vậy, đến tận thời điểm này, sự việc tiêu cực “chạy” trường vẫn đang khó có thể được giải quyết triệt để khi ông Hiệu trưởng mới Phạm Văn Phiệt “xin” cho những học sinh đang học tại trường theo diện “chạy” được vô can với lý do các em không có lỗi. Được biết, hầu hết những học sinh đóu đề là con em của giáo viên trong trường hoặc “chạy” được vào trường do những mối quan hệ kiểu “cài răng lược”. Và Sở GD-ĐT TPHCM cũng... đành lòng “chiều” theo!

 

Chính vì điều này, dư luận càng không thể quên được dấu hỏi lớn đối với Sở GD-ĐT TPHCM: “Liệu có ai tiếp tay cho bà Hiệu trưởng Trần Thanh Vân để bà dám lộng hành ở trường THPT Lê Quý Đôn?”. Câu hỏi này khiến cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thấm thía rằng “phải phát huy dân chủ thật sự tại các nhà trường tốt hơn nữa. Không bao che cho sai trái và phải xử lý nghiêm theo pháp luật”.  

 

Ngày 18/9, ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, đã tỏ rõ quan điểm đối với phần “hậu” tiêu cực chạy trường này rằng: “Cần làm rõ trách nhiệm của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc này. Bởi, không thể nói Sở GD-ĐT không biết được!” 

 

Tiếp tục thể hiện một quyết tâm chiến đấu đến cùng với tiêu cực, ngày 26/9, Thành uỷ TPHCM đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo của thành phố.

 

Theo đó, thành ủy yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý ở các trường. Các quận, huyện ủy phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ công chức; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ phòng giáo dục đào tạo, các trường học. Các tổ chức Đảng, cơ sở Đảng phải lãnh đạo thực hiện qui chế dân chủ cơ sở ở trường học, kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém phát sinh.

 

Nước mắt ở ngôi trường trăm tuổi

 

Trò ngơ ngác, thầy ngơ ngác - Đó là cám giác buồn bã mà người đứng đầu ngành giáo dục không thể tránh được khi tiếp xúc với thầy trò trưởng THPT Lê Quý Đôn. “Không được phép để các em mất lòng tin”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã nhiều lần phải nhắc như vậy trong buổi trò chuyện với các giáo viên ở nơi đây.

 

Cũng theo ông Nhân, “vụ việc xảy ra tại trường THPT Lê Quý Đôn có liên quan đến người đứng đầu nhà trường, là nỗi đau không chỉ của trường, mà là của cả ngành Giáo dục và cả nước!”

 

Đã có nhiều giáo viên khóc trước mặt Bộ trưởng. Họ đã khóc vì không thể ngờ được rằng, trong một ngôi trường nổi tiếng với bề dày lịch sử hơn 100 năm đã xảy ra nhiều chuyện tiêu cực như vậy. Và họ đã khóc vì không khí nặng nề bao trùm cả ngôi trường này trong suốt hơn 30 ngày qua.

 

Khi chứng kiến cảnh những thầy giáo, cô giáo nghẹn ngào chia sẻ tâm sự với người đứng đầu ngành giáo dục - một cảnh được xem là “xưa nay hiếm” diễn ra trong ngành giáo dục, chúng ta đã hiểu được một điều rằng: mặc dù tiêu cực trong ngành giáo dục đang tồn tại với vô vàn những biến tấu khôn lường, nhưng những gì mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đang cố gắng bằng rất nhiều tâm huyết và bằng cả tấm lòng thì tiêu cực trong giáo dục - một căn bệnh thâm căn cố đế tưởng như là vô phương cứu chữa đó sẽ bị loại trừ trong một ngày không xa.

 

Nhóm PV Giáo dục