"Tôi buồn vì đã dại dột làm việc khác người"

"Đến lúc đó, tôi mới thấm thía "nhập gia phải tùy tục". Vậy là chấm hết cho một quá trình đổi mới giảng dạy của một giảng viên tốt nghiệp từ nước ngoài!", nỗi niềm của một giảng viên ĐH <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/11/90416.vip">về câu chuyện đọc - chép trên giảng đường ĐH</a>.

1. Sinh viên Việt Nam (nói theo số đông) chưa thật sự ham thích cách dạy học theo kiểu "lấy người học làm trung tâm" và các trường ĐH cũng chưa chuẩn bị cho các giảng viên thực hiện các kiểu giảng dạy mới. Khi tôi mới tốt nghiệp thạc sĩ tại Viện Công nghệ châu Á (AIT), về VN tôi áp dụng ngay những phương pháp học mới mà tôi đã hấp thụ ở nước ngoài, nhưng tôi đã thất bại.

 

Bởi vì tôi phải dạy lớp học với gần 70 SV, khi chia nhóm thảo luận với 5 SV/nhóm, tôi đã phải kiểm soát 14 nhóm. Một kết quả tất yếu là tôi không thể kiểm soát tình hình và chỉ có 1/3 lớp là thật sự ham thích thảo luận thông qua tình huống. Thêm vào đó, tôi phát hiện ra chỉ có 1/10 SV là đọc bài trước ở nhà, vì vậy nếu có đặt câu hỏi thì hầu như rất ít SV viên trả lời.

 

2. Cơ chế đánh giá điểm của các trường ĐH Việt Nam chưa hỗ trợ cho các hình thức giảng dạy mới. Thông thường tại những nước đã phát triển, kết quả đánh giá cuối kỳ của một môn học được phân chia như sau: + Bài tập cá nhân, hàng tuần: 10%; Bài tập nhóm, hàng tháng: 10%; Bài tập lớn, cả học kỳ: 20%; Kiểm tra giữa kỳ: 20%; Thi cuối kỳ: 40%.

 

Nhưng ở VN, SV chỉ phải thi có 2 lần: thi giữa kỳ và thi cuối kỳ. Thậm chí có trường chỉ thi cuối kỳ mà thôi. Vì vậy mới có chuyện SV không đi học ngày nào mà vẫn thi đậu môn học đó. Nếu tất cả các trường ĐH Việt Nam đều thực hiện như trên thì sẽ không có hiện tượng "cúp cua thường xuyên" mà vẫn thi đậu, bởi vì hàng tuần phải làm bài tập để nộp cho từng môn học. Nếu không đi học làm sao mà làm bài tập được!!

 

Tôi đã thử áp dụng tương tự như trên nhưng kết quả là tôi bị mất quá nhiều công sức. Tôi đã buộc SV phải làm bài tập nhóm (có trình bày và tranh luận trước lớp) và đánh giá điểm SV theo cách sau: Bài tập lớn, cả học kỳ: 20%; kiểm tra giữa kỳ: 20%; Thi cuối kỳ: 60%. Kết quả cuối cùng mà tôi nhận được là những lới oán trách từ phía SV. Họ cho rằng tôi đã quan trọng hóa môn học mà tôi đang giảng dạy (tôi dạy môn Quản lý dự án xây dựng cho SV ngành xây dựng, nhiều SV cho rằng đây là môn phụ), rằng tôi đã bắt họ làm việc nhiều quá, workload mà tôi đã giao cho họ là nặng hơn cả những môn chuyên ngành...

 

Chỉ có 1/4 SV là thật sự chăm chút cho bài tập lớn mà thôi, đa số SV còn lại làm cho xong để nộp. Sang năm học sau, tôi đổi cách thức: từ bắt buộc sang tự nguyện. SV tự lập nhóm và làm bài tập nhóm theo chủ đề mà tôi đã yêu cầu. Bài tập nhóm nào tốt thì cộng điểm vào bài thi cuối kỳ. Một kết quả đáng buồn: tôi dạy 3 lớp với khoảng gần 250 SV nhưng chỉ có 1 nhóm với 5 SV làm bài tập nhóm.

 

Thế là tôi quyết định không áp dụng các hình thức giảng dạy mới nữa, bởi vì tôi quá mệt mà chẳng được ai khen, chẳng được ai ủng hộ, thậm chí năm đó tôi còn bị mất thi đua. Vì khi dạy xong, tôi phải cho SV presentation bài tập nhóm và chấm bài xong tôi phải vào Excel, nhập điểm cho 250 SV để tính toán, sau đó mới ghi lại vào bảng điểm và nộp cho trường. Quá trình trên mất khá nhiều thời gian, kết quả là tôi nộp điểm trễ nên mất thi đua.

 

Với tôi, kết quả thi đua là không quan trọng nhưng kết quả đánh giá của SV với những nỗ lực mà tôi đã làm cho họ khiến tôi thất vọng vô cùng. Tôi không trách ai cả mà chỉ buồn vì bản thân tôi đã dại dột làm một việc khác người. Đến lúc đó tôi mới thấm thía "nhập gia phải tùy tục". Vậy là chấm hết cho một quá trình đổi mới giảng dạy của một giảng viên tốt nghiệp từ nước ngoài!!

 

Hỡi các bạn SV, trước khi trách ai hãy nhìn lại bản thân mình trước nhé!

 

Lưu Trường Văn

(Giảng viên ĐH Bách Khoa TPHCM)

Theo Tuổi Trẻ