Người “tố” đạo luận văn Phó Tiến sỹ:

Tôi chỉ tố cáo về tính không trung thực!

(Dân trí) -Trao đổi với PV <i>Dân trí</i>, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thành -người đứng đơn tố cáo chia sẻ: “Khi làm khoa học, việc kế thừa là tất yếu, nhưng phải làm rõ phần mình đã dùng của người khác, không được nhận tất cả phần kế thừa của người khác là của “riêng” mình!”.

Tiến sỹ (TS) Thành cũng cho biết, thực chất chương 1 trong luận án của mình, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Lương đã giải quyết được một số nội dung, đó là: đưa ra định nghĩa khái nhiệm về hệ Cauchy-Riemamn mạnh, yếu và chứng minh rằng đến kích thước nào đó thì vẫn thu được hệ Cauchy-Riemamn mạnh cũng như một số tính chất, điều kiện để các phép biến đổi để có thể đưa các hệ phương trình đạo hàm riêng bất kỳ về hệ Cauchy-Riemamn.

Tất cả các kết quả trên của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương dựa trên lớp ma trận D trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải. Do đó, Chương 2 trong luận án của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương khái niệm “các véc tơ chỉnh hình trong không gian Euclide Rm” thực chất là “sao chép lại” các nội dung đã có trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải.

Công trình nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (có tên: Hệ CAUCHY-RIEMANN và hàm chỉnh hình trong đại số CLIFFORD có kí hiệu thư viện là LA 96.664.1) và của PGS. TS Đặng Văn Khải (có tên: Một lớp mở rộng hệ CAUCHY-RIEMANN trong không gian nhiều chiều, có kí hiệu thư viện là LA 86.0029.1) đều được lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam.

Hai luận án này đã được số hóa và đưa lên website của Thư viện quốc gia Việt Nam.

Luận án Phó tiến sỹ của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương xem tại đây

Luận án Phó Tiến sỹ của PGS.TS Đặng Văn Khải xem tại đây

Để có lời khẳng định này, TS Thành đã trao đổi với một số chuyên gia ngành Toán ở một số viện nghiên cứu, các trường ĐH.

“Tôi không tố cáo về nội dung học thuật, tính đúng, sai cũng như chất lượng luận án. Tôi chỉ tố cáo về tính không trung thực của người thực hiện luận án” - TS Thành nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 1996, trong biên bản bảo vệ thử luận án Phó tiến sỹ của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương, GS.TS Nguyễn Văn Mậu thay mặt tập thể hướng dẫn có lời nhận xét: “Chương 2 và chương 3 là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”.

Còn GS.TS Hà Huy Khoái thời điểm đó nhận xét luận án Phó tiến sỹ của PGS. Nguyễn Cảnh Lương đã góp ý: “Theo chỗ tôi biết, Đặng Văn Khải có một số nghiên cứu rất gần với đề tài luận án. Tuy nhiên, trong luận án không trích dẫn công trình nào của Đặng Văn Khải, và cũng không nói rõ mối liên quan của các kết quả của tác giả và của Đặng Văn Khải”.

Tham khảo kỹ luận án Phó tiến sỹ năm 1996 của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (được số hóa và đăng tải trên website Thư viện Quốc gia Việt Nam) cho thấy, tại phần kết luận chương 2 không có một dòng nào nói đến luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải, trong khi đó những nội dung ở chương 2 này đã được PGS.TS Khải giải quyết, công bố trước đó khoảng 10 năm trong luận án của mình.

Trong phần nói đầu luận án Phó tiến sỹ năm 1996 của mình, PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương cho biết: “Trong năm 1986 [45] Đặng Văn Khải (luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải) đã mở rộng hệ Cauchy-Riemamn bằng cách đưa ra một lớp ma trận thỏa mãn một số tính cho biết. Tuy nhiên tác giả chưa đưa ra điều kiện tồn tại của lớp ma trận đó mà mới chỉ dừng lại trong giả thiết chúng tồn tại một cách hình thức”.

Trong báo cáo ngày 24/12/2013 của mình, PGS.TS Đặng Văn Khải cho biết, thời điểm đó nhiệm vụ giao cho nghiên cứu sinh Nguyễn Cảnh Lương là giải quyết các vấn đề ngỏ ở chương 1 và chương 2 luận án của tôi. Nguyễn Cảnh Lương đã nỗ lực và có sáng tạo để giải quyết được các vấn đề đặt ra một cách trọn vọn và triệt để. Đặc biệt đã dùng lý thuyết symbol để chứng minh được gọn gàng chặt chẽ các mệnh đề rất phức tạp và tổng quát. Với kết quả này, Nguyễn Cảnh Lương đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho nghiên cứu sinh.

Luận án Phó tiến sỹ của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương mắc sai sót ghi
Luận án Phó tiến sỹ của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương mắc sai sót ghi không chú thích rõ ràng? 

Tuy nhiên, theo thói quen thông thường, khi “mở rộng chỉnh hình” thì các tác giả thường chứng minh rằng sự mở rộng của mình vẫn giữ nguyên các tính chất của hàm chỉnh hình một biến phức. Cách chứng minh có thể khác, có thể tương tự với các tác giả đi trước. Nếu có tham khảo học tập theo cách của tác giả nào thì cần chú thích rõ.

“Trong trường hợp của Nguyễn Cảnh Lương, các thầy hướng dẫn, các thầy trong hội đồng chấm luận án đều có nhắc nhở chuyện này nhưng trong luận án cuối cùng (nộp cho Thư viện Quốc gia) Nguyễn Cảnh Lương vẫn sơ suất không chú thích rõ” - PGS.TS Đặng Văn Khải nói.

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo của tập thể hướng dẫn khoa học luận án Phó tiến sỹ của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT thì bản báo cáo này cũng chỉ là một kênh để tham khảo. Bộ sẽ thành lập một Hội đồng đánh giá riêng, độc lập để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Ngoài ra, Hội đồng Toán học chấm luận án cấp nhà nước sẽ nhóm họp để đánh giá bản chất vấn đề sau đó sẽ có ý kiến chính thức.
 
“Do đây là đơn thư tố cáo nên quy trình xử lý đúng theo Luật Khiếu nại, tố cáo. Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra kết luận cuối cùng sau khi hoàn tất các quy trình theo quy định” - nguồn tin này cho biết.
 
S.H