Nữ hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Harvard:

“Tôi dành cả cuộc đời để chứng minh với mẹ rằng bà đã nghĩ không đúng”

(Dân trí) - Nữ hiệu trưởng trường ĐH danh tiếng nhất thế giới lúc còn trẻ đã khiến ba mẹ mình “đau đầu” về những suy nghĩ vượt mọi định kiến của xã hội về phụ nữ. Bà chia sẻ rằng mình đã dành cả cuộc đời để chứng minh với mẹ rằng bà đã hiểu sai về phụ nữ.

Trong buổi họp báo diễn ra sáng nay tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TPHCM), Giáo sư Drew Gilpin Faust đã trả lời câu hỏi liên quan đến về vấn đề nữ quyền. Hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard chia sẻ rằng mình là sinh viên học và trưởng thành trong những năm 1960, đó cũng là thế hệ rất quan tâm đến vấn đề chính trị và từng tham gia trực tiếp tham gia các hoạt động…

Hiệu trưởng ĐH Harvard Drew Gilpip Faust có bài nói chuyện trước gần 1000 sinh viên TPHCM​ về Cuộc chiến đã đi qua (ảnh Việt Thành)
Hiệu trưởng ĐH Harvard Drew Gilpip Faust có bài nói chuyện trước gần 1000 sinh viên TPHCM​ về Cuộc chiến đã đi qua (ảnh Việt Thành)

Bà Faust kể: “Tôi xuất thân trong gia đình rất truyền thống có thể nói là bảo thủ, bảo thủ kể cả ở mặt chính trị và cả lẫn những thái độ về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Là con gái nhưng lúc trẻ tuổi tôi thường hay có ý kiến lắm và bắt đầu từ năm 2 tuổi tôi đã làm cho ba mẹ tôi hơi “đau đầu”. Lúc là học sinh, sinh viên những năm 1960 tôi đã tham gia 2 phong trào lớn ở bên Mỹ lúc đó là phong trào phản chiến và phong trào giành quyền lợi dân sự cho người Mỹ gốc Phi.

“Mẹ tôi qua đời vào năm 1966 nên rất tiếc bà đã không thể biết tôi đã từng làm cho người ta “đau đầu” như thế nào. Mẹ tôi từng bức xúc và nói với tôi rằng “Con phải biết đó là thế giới của đàn ông, con biết điều đó thể cuộc sống thoải mái hơn. Và sau khi mẹ nói điều đó, tôi đã dành cả cuộc đời để chứng minh với mẹ rằng bà đã nghĩ không đúng”, nữ hiệu trưởng nói.

Cũng theo Giáo sư Drew Gilpin Faust, một trong những lí do đến thăm Việt Nam lần này là vì bà muốn hiểu rõ hơn về đất nước VN không chỉ vì cuộc chiến tranh lúc thời bà còn trẻ như cả nước Mỹ từng biết đến. “Tôi vô cùng vui mừng trước cơ hội được sang thăm VN lần này, để tìm hiểu hơn về tính năng động, sự phát triển ngoạn mục của VN trong thời gian gần đây. Chắc chắn sau nay tôi sẽ còn muốn tìm hiểu thêm mọi mặt của đất nước này”, bà Faust bày tỏ.

Nữ hiệu trưởng của trường ĐH danh tiếng thế giới cũng chia sẻ về những tàn phá của chất độc màu da cam (dioxin) sau chiến tranh với những vụ kiện giành quyền lợi cho các nạn nhân. “Khi tham gia phong trào phản chiến những năm 60, chúng tôi cũng đã nhắc đến tác hại chất độc dioxin, sau này ở Mỹ cũng liên tục có nhiều cuộc đối thoại, tranh luận về vấn đề này”, nữ hiệu trưởng chia sẻ.

Nữ giáo sư sử học chia sẻ những vấn đề về nữ quyền trong buổi họp báo
Nữ giáo sư sử học chia sẻ những vấn đề về nữ quyền trong buổi họp báo

Trước đó, trong bài thuyết trình của mình trước sinh viên TPHCM, bà Drew Gilpin Faust cho rằng Việt Nam đã giúp cho bà nhìn lại giá trị của đất nước Mỹ ở giá trị nhân văn và tính dân chủ.

“Cuộc chiến ở ngoài nước Mỹ, 3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ đã không rơi trên đất nước chúng tôi; 58.220 lính Mỹ hy sinh, so với con số ước tính khoảng hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam thiệt mạng trong “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”. Nhưng cả hai xã hội của chúng ta đều sống với những bóng ma, với ký ức và với những di sản. Với hậu quả chiến tranh.

Tôi không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ, và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu. Nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia”, bà Faust bộc bạch.

Bà cho rằng, Việt Nam và Mỹ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài, tàn phá nặng nề và giờ đây là thời gian để hàn gắn vết thương. Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu bởi nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh, giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình.

Lê Phương