Bạn đọc viết:

Tôi không đánh khi con bị điểm kém

(Dân trí) - Tôi nghĩ mỗi phụ huynh nên thay đổi suy nghĩ cũ mòn từ thời xưa truyền lại, trước tiên cha mẹ nên hỏi han con thật kỹ nguyên nhân con điểm kém, tìm cách cho con khắc phục.

Con tôi học lớp 5, con thông báo tuần này và tuần sau, con thi học kì 1. Tôi động viên con cố gắng ôn luyện, mỗi ngày ôn một ít, đừng ham chơi mà vắt chân lên cổ không kịp. Trẻ con vốn ham chơi hơn ham học, con vâng dạ mà để ngoài tai. Con có thể say sưa ngồi trong giường đọc truyện quên cả giờ cơm. Con đi chơi với lũ bạn quên lời dặn làm việc nhà của mẹ. Tôi đi làm, chỉ thỉnh thoảng đảo về nhà ngó nghiêng, có khi còn phải đi vài vòng mới tìm được con về nhà. Tôi kìm chế không cáu mà giục con làm việc nhà, xong việc thì ngồi vào bàn học. Mẹ có thể hỗ trợ chút ít nhưng không thể bớt việc nhà cho con. Tôi muốn rèn con cách quản lý thời gian tốt nhất, để con thực hiện tốt điều ấy lý thuyết suông sẽ trôi tuột đi, con cần thực hành liên tục, bất kể việc con kì kèo rằng con bận ôn thi học kì.

Tôi không đặt nặng áp lực điểm số cho con nhưng tôi nói rõ cho con biết, việc con đạt kết quả tốt ở lớp 5, con sẽ có những lợi thế gì. Đó là việc lên lớp 6, con được vào lớp chọn, học với rất nhiều bạn giỏi giang trong khối. Chuyện học giỏi không tự nhiên hay may mắn mà là do con cố gắng luyện rèn. Hãy cố gắng hết sức mình trong học tập cũng như trong việc thay đổi thói quen xấu, mỗi ngày cố gắng từng chút một, con sẽ thấy mọi việc thật dễ dàng. Con vâng dạ nhưng mau quên, tôi phải giao việc rõ ràng cho con làm, đặt mốc thời gian cho con bắt tay vào học và ôn đề cương.

Nhưng con vẫn thỉnh thoảng mắc lỗi khiến mẹ bối rối và tức giận. Như việc con chìa vở Mỹ thuật cho mẹ ký với lời phê của cô giáo "Không hoàn thành sản phẩm trong 10 tiết học, học kì 1 có 18 tiết". Tôi mới nhíu mày thì con đã mếu máo nói, con có làm nhưng con để quên ở nhà không nộp cho cô. Rõ ràng ý thức học của con chưa tốt, con chuẩn bị bài vở cẩu thả, xao nhãng không nhớ lời cô dặn. Tôi nói con mang hết sản phẩm con đã làm tới lớp, xin cô cho nộp bài xem sao. Con làm theo lời mẹ, con nói cô không đồng ý mẹ ạ. Coi như đây là bài học cho việc con học hành không đến nơi đến chốn, nhớ đừng mắc lỗi nữa.

Hôm qua, con lại khóc lóc khi tôi đang mải nấu cơm. Tôi hỏi “Con bị ai bắt nạt à, có chuyện gì không?”. Con khóc tức tưởi nói “Con bị thầy Thể dục cho điểm 1 vì không lên kịp để thi”. Tôi cáu ầm lên và khẳng định con chắc mải chơi nên thầy gọi mới không nghe thấy, sao các bạn đều nghe thấy? Con tôi sợ quá nhưng tôi kịp trấn an con, có lỗi thì phải nhận hình phạt, con cứ vui vẻ chấp nhận điểm 1 của thầy. Con khóc rất to, con sợ điểm kém. Tôi cố gắng nghĩ phương án nào tốt nhất giúp con. Đánh con, chửi mắng con không giải quyết được chuyện này, phải tìm cách liên lạc với cô chủ nhiệm nhờ cô nói giúp với thầy Thể dục, cho con thi lại.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tôi sang nhà bạn lớp trưởng hỏi han, cô bé kể rõ đầu đuôi rằng: Thầy rất nghiêm khắc, gọi bạn nào là bạn ấy phải nhanh chóng lên thì, bạn Q. lên chậm nên thầy không cho thi nữa, lớp có 3 bạn không được thiì cô ạ. Tôi kiểm chứng lại sự việc để biết rõ con không nói dối. Chừng 8 giờ tối, tôi gọi điện nói chuyện với cô chủ nhiệm, nhờ cô trao đổi lại với thầy Thể dục, cho 3 bạn được thi lại. Cô giáo vui vẻ nhận lời và giải thích thêm với tôi “Thầy làm thế để rèn các con có ý thức tập trung trong giờ học chứ thầy vẫn sẽ cho thi lại, chị cứ yên tâm”.

Nỗi lo lắng của con được giải tỏa, tôi nghĩ nếu tôi không kịp thời liên lạc với cô giáo của con, chắc con chẳng còn tâm trí nào mà ôn tập học kì. Trẻ con khi đã sợ hãi thì quên hết mọi thứ. Chúng cần được bố mẹ an ủi, vỗ về chứ không phải là đánh mắng, dọa dẫm đủ kiểu.

Phụ huynh sẽ làm gì khi con bị điểm kém? Hầu như mọi người đều nổi đóa lên vì tức giận, sẵn sàng trút xuống đầu con vô số lời chửi mắng thậm tệ. Tôi từng chứng kiến có những phụ huynh nọc cổ con ra đánh đập, rủa xả, đuổi con khỏi nhà. Mọi người nói “Phải đánh, phải chửi con mới sợ, sợ rồi sẽ không dám có lần sau. Đánh cho chừa tội lười học, tội đuểnh đoảng cẩu thả, tội học trước quên sau, tội hay cãi bố mẹ. Con có lỗi nhỏ đã đánh, huống hồ con bị điểm 1 thì phải đánh cho tuốt xác”.

Tôi nghĩ mỗi phụ huynh nên thay đổi suy nghĩ cũ mòn từ thời xưa truyền lại, trước tiên cha mẹ nên hỏi han con thật kỹ nguyên nhân con điểm kém, tìm cách cho con khắc phục. Đừng ngại trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để thầy cô có thể giúp con. Đối với học sinh tiểu học, các con vẫn còn ham chơi nghịch ngợm nên hay mắc lỗi thiếu tập trung hoặc bạn bè tranh giành nhau. Con tôi năm lớp 4 đã khóc ròng từ trường về nhà vì thi thực hành tin học không làm được câu nào trên máy, lý do 2 bạn thi chung 1 máy, bạn kia cứ nhất quyết giữ máy làm riêng, con thì rụt rè không dám đi lên bàn cô giáo để nói với cô. Lúc ấy, tôi rất lo nhưng vẫn quyết định trình bày câu chuyện với cô chủ nhiệm và quả nhiên mấy hôm sau, con được thi lại.

Con học cấp 1 sẽ luôn gặp những tình huống oái oăm, phụ huynh nên quan tâm sát sao để cùng đồng hành với con, kịp thời giúp con giải quyết vướng mắc khó khăn. Tôi luôn dặn dò các con, bất cứ con gặp chuyện gì ở lớp, ở trường và với bạn bè, con hãy tâm sự với bố mẹ, bố mẹ sẽ giúp con. Tôi đã cố gắng thay đổi bản thân từ một người mẹ hay cáu gắt, tức giận thành người mẹ nhẫn nại, ân cần lắng nghe con để kịp thời dạy dỗ, chấn chỉnh tính cách của các con, giúp con học tốt và yêu thích sách vở.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!