Tôi sắp đi học ở Harvard, ai tài trợ cho tôi?

Nhìn trong ảnh, đó là một cô gái có đôi mắt nâu và ấm áp. Cô ấy đang cần trợ giúp tài chính. Một website mới tập hợp những người muốn làm việc tốt, và những người cần được giúp đỡ, đã post chi tiết yêu cầu của cô.

Unithrive là gì?

 

Người tìm kiếm sự giúp đỡ là một cô SV 21 tuổi, chuyên khoa Thần kinh và sinh học ở ĐH Harvard. Và cô ấy đang muốn vay tiền của những SV đã tốt nghiệp từ Harvard.

 

“Hè này tôi định thi MCAT (một kỳ thi cho SV Y khoa), và hiện tại tôi không có đủ tiền đăng ký hoặc những tài liệu cần thiết để vượt qua kỳ thi này” - cô gái trẻ viết, cô không muốn đề tên thật - “Do đó, một khoản vay từ Unithrive sẽ giúp tôi được rất nhiều”.

 

Unithrive.org, vừa mới xuất hiện, là trang web kết nối những cựu SV sẵn sàng cho vay và những SV đang khó khăn về tiền bạc. Những SV khó khăn đó cần post ảnh và thông tin sơ lược về mình, và có thể đề nghị vay đến 2.000 đôla. Các khoản vay này đều không tính lãi và có thể trả trong 5 năm kể từ sau khi tốt nghiệp.

 

Trang web phi lợi nhuận này là sản phẩm của 3 SV mới tốt nghiệp ĐH Harvard, với hy vọng giúp giảm được cuộc khủng hoảng ngay trong các trường ĐH.

 

Điểm mạnh của các khoản cho vay trực tiếp từ “nhà tài trợ” đến SV, theo những bạn sáng lập Unithrive, là ở chỗ các cựu SV sẽ có mối liên hệ cá nhân với những SV hiện đang học: những bạn cần vay phải ghi rõ quê quán, chuyên ngành và những lớp học mà họ đã/đang tham gia.

 

Các cựu SV có thể cho những SV mà họ cảm thấy có điểm chung vay tiền. Các SV vay tiền phải update tình hình của mình 3 lần/năm cho “nhà tài trợ”. Tất cả những điều này đều được quản lý một phần bởi 3 nhà sáng lập: Joshua Kushner, tốt nghiệp năm ngoái và là con của một gia đình buôn bán bất động sản giàu có (anh trai của cậu là Jared Kushner đã mua tờ The New York Observer ngay sau khi tốt nghiệp Harvard), Nimay Mehta và Tanuj Parikh, vừa tốt nghiệp xong.

 

Những cựu SV “đầy túi” của Harvard đã ủng hộ xấp xỉ 29 tỉ đôla, tạo ra một trong những chương trình học bổng hào phóng nhất ở bậc ĐH, hứa hẹn những suất học phí toàn phần cho những SV mà gia đình kiếm được ít hơn 60.000 đôla/năm.

 

Ai cũng có thể thành chủ nợ

 

Kushner chú thích thêm rằng các trường ĐH vẫn yêu cầu những SV được học bổng đóng góp một vài ngàn đôla/năm từ những việc làm part-time mùa Hè hoặc công việc trong trường.

 

“Tôi có những người bạn dành 10 tiếng/tuần khi không phải đi học, để làm việc ở các tiệm cà phê hoặc ngay trong ký túc xá” - Kushner, 24 tuổi, nói về khoảng thời gian mà anh cho rằng mình đã lãng phí - “Tôi nghĩ điều đặc biệt nhất về trường ĐH không phải chỉ là những gì bạn làm trong lớp học, mà là những gì bạn làm bên ngoài lớp học”.

 

Ba chàng trai trẻ này bắt đầu chương trình cho vay phi lợi nhuận ở Harvard vì họ đã có một đội bạn toàn là cựu SV sẵn sàng viết séc. Cho đến nay, 73 người trong số họ đã đăng ký với Unithrive, và 8 SV post yêu cầu được vay trong vòng 4 tuần kể từ khi trang web “khai trương” (hiện website này mới chỉ dành cho những SV hoặc cựu SV Harvard có địa chỉ email của trường).

 

Joshua Poupore, phát ngôn viên của nhà trường, nói rằng tiền từ bất kỳ khoản vay nợ nào, bao gồm của Unithrive, sẽ không ảnh hưởng tới các điều kiện và công thức được dùng để quyết định mức trợ giúp tài chính mà một SV nhận được từ nhà trường.

 

Brian Feinstein, 24 tuổi, tốt nghiệp năm 2007, nói rằng anh đã cho một SV trên Unithrive vay 50 đôla, vì cô SV đó quê ở East Longmeadow, bang Massachussetts, và học cùng chuyên ngành với anh trước đây. “Hồi bé tôi đã sống ở Longmeadow một thời gian” - Feinstein, hiện là nhà phân tích của một doanh nghiệp, nói - “Tôi tìm được sự tương đồng ở cô gái đó”.

 

Rất nhiều người cho vay là cựu SV đề nghị được giấu tên, trừ những người có trách nhiệm ở Unithrive. Trong số những người cho vay có một số cái tên nổi tiếng, hoặc con cái của những bậc phụ huynh nổi tiếng trong giới truyền thông và tài chính. Theo kế hoạch thì Unithrive sẽ gửi các khoản cho vay trực tiếp đến trường ĐH để đóng học phí cho SV, chứ không gửi tiền cho SV muốn vay.

 

Thế nhưng nếu có một yêu cầu chính đáng thì Unithrive vẫn chấp nhận, cho dù nó không thực sự liên quan đến việc học tập. Ricky Kuperman, một SV vừa hoàn thành năm thứ hai ở Harvard và là một diễn viên múa giỏi, nói rằng cậu muốn vay 2.000 đôla không lấy lãi để tới Okinawa (Nhật) vào năm 2010, để “khám phá nơi sinh ra môn karate”. “Nếu tôi không vay được tiền, tôi sẽ phải làm việc nhiều hơn vào mùa Hè hoặc trong năm học sau” - Kuperman nói.

 

Gần đây cũng có nhiều trang web kết nối người vay với người cho vay, thế nhưng theo Mikolaj Jan Piskorski, một giảng viên ở trường Kinh doanh thuộc ĐH Harvard, thì điểm mạnh của Unithrive là nó tập trung vào mối liên kết gần gũi giữa cựu SV và SV.

 

“Rất nhiều cựu SV của chúng tôi cảm thấy họ đã được cuộc sống “cho vay” một khoản khi họ được học ĐH, và họ lại muốn giúp một SV khác, và cảm thấy rằng tiền của mình được sử dụng hợp lý bởi một SV thực sự cần nó, chứ không phải là một nhà quản lý hành chính nào đó” - ông nói.

 

Ngoài ra, trong khi các kiểu cho vay khác có thể ít khả năng đòi lại được, nhưng các SV Harvard tốt nghiệp ra trường thì có những lựa chọn tốt hơn về nghề nghiệp và có khả năng trả nợ tốt hơn.

 

Theo Đặng Mỹ Dung
Sinh Viên Việt Nam/New York Times