“Tôi sẽ chọn Việt Nam là quê hương thứ hai”

(Dân trí) - Là lời tâm sự của Craig Soffer – Giám đốc học vụ trường Oxford English Uk Vietnam. Đến Việt Nam năm 2003, và với vốn tiếng Việt của mình, cho dù đôi lúc vẫn cần đến sự hỗ trợ của phiên dịch, nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Craig đã đem lại cảm giác thân thiện, rất... “Việt”!

Lý do gì đã khiến anh đến Việt Nam?

 

Tôi làm giáo viên giảng dạy tiếng Anh cho một trường trung học ở thành phố New York, lại là nhà văn, nên tôi có rất nhiều bạn. Bạn tôi đã nói với tôi rất nhiều về Việt Nam khi họ đi làm các nghiên cứu về nhân chủng học ở đây. Sự tò mò về một Việt Nam mến khách và du lịch “rất rẻ” (cười) đã thôi thúc tôi đến Việt Nam.

 

Nhưng hiện nay, anh đang làm Giám đốc học vụ cho Oxford English UK, không chỉ là một vị khách du lịch nữa?

 

Đúng vậy! Tôi đã dành một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu về Việt Nam. Tôi đã đi rất nhiều nơi như Sa Pa, Hạ Long, Huế, Hội An, TPHCM... và tôi rất thích. Cảnh vật đất nước các bạn thật là đẹp, nhất là vịnh Hạ Long. Con người Việt Nam thật dễ mến và đặc biệt, cuộc sống ở đây rất yên bình. Sau khoảng thời gian này, tôi đã quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục công việc giảng dạy của mình.

 

Anh chỉ giảng dạy ở Việt Nam hay còn có thêm những công việc khác nữa?

 

Tôi vừa hoàn thành 02 cuốn sách, đã gửi về Mỹ để chờ xuất bản và đang tiếp tục “thai nghén” cho cuốn sách thứ 3 và có thể cả cuốn thứ 4 trong năm tới.

 

Anh có thể “bật mí” cho độc giả về cuốn sách tiếp theo được không?

 

Hai cuốn sách trước là tiểu thuyết lãng mạn. Tôi viết về tình yêu, về sự vượt lên số phận của một anh bạn trong lúc chiến đấu với bệnh tật. Những ý tưởng này tôi có được khi đến Việt Nam và có thời gian để viết, không như ở Mỹ, rất bận rộn. Cuốn sách thứ 3, tôi đang viết về những kỷ niệm, những câu chuyện vui và bất ngờ khi tôi dạy tiếng Anh ở Việt Nam.

 

Tôi đã có khoảng thời gian làm việc chung với các em, tôi thấy, học viên Việt Nam rất thông minh và tôi cũng dự định viết thêm một cuốn sách mới. Cuốn sách này tập trung vào việc sử dụng các thành ngữ tiếng Anh nhưng được gắn liền với các tình huống hội thoại. Tôi hy vọng, nó sẽ giúp các em ứng dụng tốt hơn thành ngữ vào nhiều ngữ cảnh một cách chủ động và hiệu quả.

 

Nếu có thời gian rỗi, anh sẽ làm gì?

 

Rảnh rỗi, tôi thích ngồi quán cà phê và ngắm tháp Rùa để tìm cảm hứng. Không hiểu sao Tháp Rùa lại cho tôi nhiều tứ để viết đến như vậy. Tôi cũng hay đi ăn bún nem, bún chả, phở và cả chả cá nữa. Tôi rất thích ăn chả cá Lã Vọng. Ngon tuyệt!

 

Khi ăn chả cá Lã Vọng, anh có ăn được mắm tôm không?

 

Không có mắm tôm thì đừng ăn Chả cá Lã Vọng! (cười). Ở Hà Nội còn có nhiều nhà hàng và món ăn ngon lắm nhưng nhiều người Mỹ chưa biết đến.

 

Liệu anh có ý định viết về các món ăn Việt Nam và cho xuất bản ở Mỹ hay không?

 

Cũng có thể lắm chứ! Tôi rất muốn giới thiệu nhiều hơn về đất nước các bạn cho người Mỹ. Ở thành phố New York, 95% nhà hàng Việt nam nấu theo kiểu miền Nam, tiếc là có rất ít món ăn Hà Nội.

 

Hình như anh có những tình cảm rất đặc biệt với Hà Nội?

 

Đúng vậy. Tôi rất yêu Hà Nội và nếu ở lại Việt Nam, tôi cũng sẽ chọn Hà Nội. Khi đi du lịch bất cứ nơi đâu, cứ nghĩ đến Hà Nội với hồ Gươm và cầu Thê Húc là tôi có cảm giác như đang được về nhà. Con người Hà Nội dễ mến, món ăn lại rất ngon, cảnh vật thì thật đẹp và Hà Nội cũng chính là nơi cho tôi nguồn cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm văn học của mình.

 

 

Kiều Nga – Mai Anh (thực hiện)