“Tôi từng đưa văn học trò lên báo…”

Trước đây tôi ủng hộ đưa những bài văn cười ra nước mắt lên báo và tôi đã viết. Mục đích là tìm ra những biện pháp, rút ra những kinh nghiệm trong dạy học văn để trong những kỳ thi sau điều này không lặp lại.

Thế nhưng việc này vẫn không chấm dứt. Mà không chấm dứt được thì đưa lên báo làm gì?

Vừa rồi có một số báo gợi ý tôi viết bài về việc này nhưng tôi đã không viết. Nói thật là trong quá trình chấm thi vừa qua, tôi cũng là người đã đọc được những bài văn cười ra nước mắt của các em.

Đưa lên báo những đoạn văn ngô nghê ấy đâu chỉ có mỗi việc mua vui giải trí mà phải tìm ra hướng giải quyết, tìm ra cái gốc để mà trị. Hiện nay học sinh được học quá nhiều, chương trình khá nặng trong khi các em có rất nhiều kênh thông tin để tham khảo. Học nhiều và bị chi phối bởi nhiều kênh thông tin như mạng, tài liệu tham khảo nên tính ổn định kiến thức không cao, có em bị lẫn lộn. Không chỉ một vài học sinh mà là rất nhiều và chuyện này là bình thường.

Cái gốc của hiện tượng này thuộc về phương pháp. Dạy làm sao để học sinh ấn tượng, để hiểu và nắm chắc vấn đề. Muốn chấm dứt tình trạng này phải chấm dứt lối học lý thuyết, cách học thuộc lòng, đề thi kiểu kiểm tra kiến thức mà ít chú ý đến tư duy sáng tạo, cảm thụ văn học. Học thì phải để cho học sinh thấm rồi mới qua phần mới, bài mới. Chương trình thi, đề thi cũng phải tập trung cái gì của riêng học trò và học trò cảm nhận được.

Việc xuất hiện những đoạn văn như thế cũng có lỗi của học sinh, nhưng các em là người sai sau. Người lớn sai trước trong việc thiết kế chương trình học, phương pháp dạy, phương pháp kiểm tra những gì đã dạy cho học trò.

Dương Thu Trang
(giáo viên môn Văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TPHCM)
Theo Sài Gòn tiếp thị