Bạn đọc viết:

Tôi ước con có một sân chơi đúng nghĩa

(Dân trí) - Chiều nào con đi học về, tôi cũng hỏi một câu quen thuộc: “Hôm nay ở lớp con chơi trò gì với các bạn?”. Đến giờ tan học mà thấy con về nhà ngay là tôi lại thở dài: “Về sớm thế con, không có ai chơi cùng à?”.

Điều đó nghe có vẻ hơi khác thường với tâm lý chung của các ông bố bà mẹ. Vì ai chẳng mong con về nhà ngay sau giờ lên lớp để yên tâm, khỏi phải lo lắng gì. Thực sự, bản thân tôi cũng vậy. Chẳng qua, vì quá muốn con có thêm thời gian chơi với các bạn nên tôi mới sẵn lòng bỏ qua nỗi mong ngóng, sốt ruột, chờ đợi con về mỗi khi trời bắt đầu nhá nhem tối.

Cứ nghĩ tới việc các con cả ngày ngồi lỳ trong lớp, tối về lại phải học bài, tôi thấy quý giá những giờ chơi vô cùng. Thêm nữa là con trai tôi rất bé nhỏ, gầy còm so với các bạn cùng lứa nên lúc nào trong tâm trí tôi cũng đau đáu ước muốn cho con được chơi nhiều hơn để vận động cơ thể, rèn luyện cơ bắp.

Khoảng thời gian ngắn ngủi duy nhất con có thể tận dụng là từ lúc tan học đến giờ cơm tối. Bất luận con chơi trò gì: đá bóng, đá cầu hay trốn tìm đuổi bắt, miễn là chạy nhảy, nô đùa, tôi đều vui lòng.

Nhưng chẳng mấy khi thấy con được chơi đúng nghĩa. Vì ở trường không có phòng tập, sân trường lại nhỏ hẹp, muốn đá bóng phải dùng trái banh nhỏ như quả tenis, nếu chơi bằng bóng nhựa giống các em bé lớp mẫu giáo cũng bị cấm. Về nhà lại càng không có sân chơi, muốn đánh cầu thì xuống lòng đường, muốn nhảy dây ra vỉa hè nơi nhấp nhô toàn hàng quán, xe cộ chiếm giữ.

Mặc dù biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng không thể không nói rằng: nhìn trẻ em ở những nền giáo dục phát triển, mỗi ngày được tạo điều kiện để chơi thể thao 2 đến 3 tiếng đồng hồ mà phát thèm.

Quan sát xung quanh, tôi nhận thấy chỉ những gia đình có điều kiện cộng với việc bố mẹ hiểu biết quan tâm đến việc phát triển thể lực của con thì trẻ mới được chơi thể thao đúng nghĩa. Vì muốn chơi bất cứ bộ môn nào như bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ… đều phải bỏ tiền túi đi học, rồi mất một khoản tiền hàng tháng để sinh hoạt ở các trung tâm, câu lạc bộ, nhà thi đấu thì mới có chỗ mà chơi. Ngoài ra còn phải có người đưa đón không khác gì đi học thêm. Hầu như không hề thấy trường học nào đưa các môn thể thao vào chương trình dạy học bắt buộc, cũng không có một sân chơi công cộng nào dành cho trẻ ở nhà. Những gia đình không có điều kiện như gia đình tôi thì đành chịu không thể cho con thể dục thể thao gì hết, chỉ biết trông chờ vào việc vui chơi tự phát của con mà thôi.

Bản thân tôi sinh ra ở cái thời cách đây gần 40 năm, lúc người ta còn chưa biết đến lợi ích của việc đi bộ là gì thì trẻ con không được quan tâm đến nhu cầu vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao đã đành. Nay xã hội phát triển, nhận thức về sức khỏe được nâng cao, chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ được cha mẹ chú trọng hơn bao giờ hết thì tại sao nhà trường và xã hội lại thờ ơ như vậy?

Bao nhiêu năm qua chỉ thấy nhà cửa, chung cư mọc lên như nấm, còn sân chơi thì không có thêm cái nào, thậm chí còn bị thu hẹp hoặc biến mất vĩnh viễn trên bản đồ. Chương trình giáo dục đổi mới liên tục mà vẫn không thể nâng tầm thể dục thể thao lên một mức quan trọng mới. Muốn trẻ phát triển một cách hài hòa toàn diện nhưng lại chỉ thiên về dạy và học các kiến thức văn hóa, không dành thời gian cho chúng vui chơi, vận động cơ bắp. Trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước nhưng lại không được nhường cho một cái sân nhỏ trong quỹ đất mênh mông của những dự án chung cư, nhà cao tầng.

Mùa hè sắp đến rồi, việc con không có sân chơi lại càng trở thành nỗi trăn trở thường trực trong tôi. Chắc chắn nhiều ông bố bà mẹ cũng chung một nỗi niềm như vậy. Tự hỏi không biết đến bao giờ mỗi trường học, mỗi khu phố mới có một sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em. Tuổi thơ của con tôi và biết bao đứa trẻ khác đã từng qua đi và sắp qua đi, trong khi ước muốn kia vẫn cứ xa vời vợi…

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!