Tôn vinh 522 tân Giáo sư, Phó giáo sư năm 2015

(Dân trí) - Sáng 12/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2015. Theo đó, Việt Nam có thêm 52 Giáo sư và 470 Phó giáo sư.

Tham dự buổi lễ trao giấy chứng nhận có sự hiện diện của đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương, đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Thị Doan – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận -Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân...

Mặc dù chuyển về Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhưng sự quá tải tại Lễ công bố vẫn nóng bỏng
Mặc dù chuyển về Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhưng sự "quá tải" tại Lễ công bố vẫn nóng bỏng

Hàng năm việc công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) thường được diễn ra ở khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tuy nhiên do số lượng người tham gia khá lớn nên ảnh hưởng đến việc tôn vinh cũng như trao giấy chứng nhận cho các tân GS, PGS. Chính vì vậy năm nay, Ban tổ chức đã quyết định chuyển địa điểm từ Văn Miếu về Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

GS Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho hay: “Sáng sớm hôm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn Hội đồng Chức danh Giáo sư (HĐCDGS) Nhà nước cùng đại diện các GS, PGS đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội kính cẩn thắp hương trước bàn thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền mở nguồn đạo học, Hoàng đế Lý Thánh Tông, Hoàng đế Lý Nhân Tông, Hoàng đế Lê Thánh Tông, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An cùng liệt vị danh nhân văn hóa nước Việt, để cầu chúc cho sự học của nước nhà ngày càng hưng thịnh, cho sự “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực …” tiến tới thành công và xin phép năm nay được chuyển địa điểm làm lễ về Trung tâm Hội nghị Quốc gia”

Trước khi buổi lễ diễn ra, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cùng đại diện các GS, PGS đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám kính cẩn thắp hương
Trước khi buổi lễ diễn ra, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cùng đại diện các GS, PGS đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám kính cẩn thắp hương

Gần 25% tổng số ứng viên bị sàng lọc

Nói về công tác xét duyệt năm 2015, GS Trần Văn Nhung cho biết: Năm 2015, tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681 người (GS là 74, PGS là 607). Theo quy định, các ứng viên này được xét qua ba cấp, cấp cơ sở ở một trong 93 HĐCDGS cơ sở, cấp ngành ở một trong 28 HĐCDGS ngành/liên ngành và ở HĐCDGS Nhà nước. Kết quả cuối cùng: Đã có 52 người đạt tiêu chuẩn chức danh GS (đạt tỷ lệ 70,27%) và 470 người đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (đạt tỷ lệ 77,43%). Nếu tính gộp cả GS và PGS thì cuối cùng được 522 người (đạt tỉ lệ 76,65%).

 

Những gương mặt tân Phó giáo sư năm 2015
Những gương mặt tân Phó giáo sư năm 2015

“Như vậy gần 1/4 tổng số ứng viên bị sàng lọc sau ba bước. Trong khi đó, ở 93 HĐCDGS Cơ sở (giáo dục đại học) trong cả nước thì tỉ lệ đạt chung ở bước một này là gần 91%, tức là cứ 100 ứng viên thì 91 người đạt. Vì 91% lớn hơn rất nhiều so với con số 76,65% nên chúng ta phải lưu ý khi phân cấp từng bước cho các cơ sở giáo dục đại học để bảo đảm chất lượng khoa học” – GS Trần Văn Nhung nhấn mạnh.

Cũng theo GS Nhung, năm nay và thông thường, trong số 28 ngành, các ngành sau đây có nhiều GS, PGS mới: Y (9 trên 52 GS, 65 trên 470 PGS), Kinh tế (3 GS và 54 PGS), Quân sự (3 GS và 34 PGS), Cơ khí-Động lực, Giáo dục, Hóa-CN Thực phẩm ... Ngược lại, các ngành Luyện kim, Cơ học và Toán học thường có ít GS, PGS mới. Số PGS năm nay gấp hơn 9 lần số GS, nhưng trong cả quá trình 35 năm qua, chỉ gấp chưa đến 6 lần. Điều này cho thấy số GS đang giảm dần so với số PGS.

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao giấy chứng nhận đợt 1 cho 8 tân GS đặc biệt
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao giấy chứng nhận đợt 1 cho 8 tân GS "đặc biệt"

“Chúng ta vui mừng chào đón những gương mặt trẻ mới gia nhập đội ngũ các GS, PGS để tăng thêm sinh khí cho tương lai và cho lực lượng khoa giáo cao cấp, nhưng chúng ta cũng rất trân trọng những người mà khi gia nhập đội ngũ các GS, PGS đã cao niên do những hoàn cảnh, điều kiện riêng về chuyên môn, về cuộc sống, vì chính họ là những tấm gương sáng, kiên cường, bền bỉ, học tập, nghiên cứu và cống hiến suốt đời cho Tổ quốc. Độ tuổi trung bình của các GS, PGS mới trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ thường thấp hơn so với các GS, PGS mới trong khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.

Điều này cũng dễ hiểu vì trong các lĩnh vực sau, các nhà giáo, nhà khoa học cần nhiều thời gian hơn để trải nghiệm và áp dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống. Số công bố quốc tế và khả năng sử dụng tiếng Anh, CNTT cũng khác nhau do đặc thù chuyên môn, ngành nghề. Đặc biệt là chúng ta ghi nhận và đánh giá cao nghị lực phi thường và sự phấn đấu bền bỉ của những GS, PGS là nữ, là người dân tộc, là những nhà giáo ở vùng còn nhiều khó khăn” – GS Trần Văn Nhung đánh giá.

Vinh dự nhưng trách nhiệm cũng sẽ rất lớn

Vui mừng trước việc Việt Nam có thêm 52 GS và 470 PGS mới, đồng chí Đinh Thế Huynh bày tỏ: “ Kế thừa và phát huy truyền thống quý trọng, tin dùng người tài của cha ông, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm việc phát hiện, trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, phát hiện, trọng dụng nhân tài là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, và thực sự trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối đổi mới, nhất là trong công tác cán bộ của Đảng”

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng cho rằng, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; trên lĩnh vực nào cũng có sự đóng góp của đội ngũ trí thức, trong đó có các GS, PGS.

Đồng chí Đinh Thế Huynh trao giấy chứng nhận cho các tân Giáo sư
Đồng chí Đinh Thế Huynh trao giấy chứng nhận cho các tân Giáo sư

“Qua báo cáo của Hội đồng Chức danh GS nhà nước, tôi vui mừng được biết số GS, PGS được xét đạt công nhận tiêu chuẩn hàng năm từng bước được trẻ hóa, năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ được nâng lên; ngày càng có nhiều người là tác giả của các công trình khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới, được ứng dụng một cách có hiệu quả trong đời sống kinh tế -xã hội của đất nước” – Đồng chí Đinh Thế Huynh nói.

Tuy nhiên, Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả và tiến bộ đó, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế đó là đất nước ta vẫn còn nghèo và tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Chênh lệch về trình độ phát triển, về hạ tầng cơ sở, về khoa học công nghệ cũng như về chất lượng giáo dục đào tạo còn lớn so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải vượt khó vươn lên; ở điểm xuất phát thấp thì càng cần phải đổi mới mạnh mẽ, chủ động và tích cực hội nhập khu vực và thế giới về chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

“Được công nhận GS, PGS là một vinh dự lớn đối với mọi người nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của các đồng chí trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trước thế hệ trẻ của đất nước. Mỗi người chúng ta cần tiếp tục phấn đấu bằng tất cả tâm huyết, nghị lực, trí tuệ, quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, cùng cả nước đưa sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ đến những thành công mới, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” – Đồng chí Đinh Thế Huynh nhắn nhủ tới các tân GS, PGS năm 2015.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)