Tổng thống Obama và thông điệp “truyền lửa” tới sinh viên Việt

(Dân trí) - Đối với nhiều bạn sinh viên Việt Nam, bài nói chuyện của Tổng thống Obama tại Hà Nội có sức “truyền lửa” mạnh mẽ cho thế hệ trẻ với thông điệp "chính nỗ lực bản thân sẽ quyết định con đường đi của mỗi người và tương lai sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những người biết phấn đấu".

Buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng ngày 24/5 có sự tham dự của khoảng 2.000 người, trong đó có đông đảo sinh viên đến từ các trường đại học ở Hà Nội.

Tổng thống Obama phát biểu trước đông đảo sinh viên, giới tri thức trẻ Việt Nam sáng ngày 24/5 tại Hà Nội (Ảnh: Quý Đoàn)
Tổng thống Obama phát biểu trước đông đảo sinh viên, giới tri thức trẻ Việt Nam sáng ngày 24/5 tại Hà Nội (Ảnh: Quý Đoàn)

Trò chuyện với PV Dân trí, bạn Đặng Thị Hoài Thương, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Điều em ấn tượng nhất trong buổi nói chuyện của Tổng thống Obama là sự am hiểu của bác về lịch sử và văn hóa Việt Nam khi nhắc tới các nhân vật như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, đại thi hào Nguyễn Du, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…".

Thương cũng ngưỡng mộ sự bình dị và gần gũi của vị nguyên thủ cường quốc số 1 thế giới khi ông ăn bún chả tại một quán bình dân ở Hà Nội và luôn nở nụ cười thân thiện vẫy chào người dân xung quanh.

Khi được hỏi nếu có dịp trò chuyện trực tiếp với Tổng thống Obama, bạn sẽ nói điều gì? Thương nói: “Em sẽ hỏi bác ấy về chuyện dạy con cũng như về phương pháp đào tạo tại Mỹ...nhưng tiếc là lịch trình bận rộn nên bác không có thời gian đối thoại trực tiếp với sinh viên Hà Nội”.

Còn đối với Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh viên trường ĐH Ngoại thương, được gặp Tổng thống Obama là một kỷ niệm đáng nhớ trong thời sinh viên. Thủy và nhiều bạn khác đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước cả giờ đồng hồ để kiểm tra an ninh. Dù chờ đợi nhưng ai nấy đều háo hức để được thấy nhà lãnh đạo nước Mỹ.

Đối với bạn Nguyễn Thu Thủy, được gặp Tổng thống Obama là một kỷ niệm đáng nhớ trong thời sinh viên
Đối với bạn Nguyễn Thu Thủy, được gặp Tổng thống Obama là một kỷ niệm đáng nhớ trong thời sinh viên

“Những lời bác Obama nói đã cho em hiểu thêm về quan hệ Việt-Mỹ, hai quốc gia từng là “cựu thù” đã vượt qua một quá khứ không vui để trở thành đối tác toàn diện và mối quan hệ ấy sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai”, Thủy nói.

Cô sinh viên cũng tin tưởng rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi được quốc hội hai nước thông qua sẽ đem lại nhiều lợi ích, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng như với các nước thành viên khác như lời Tổng thống Obama nói. Như vậy giới trẻ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn sau khi hiệp định này có hiệu lực.

Bạn Long đến từ trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho hay, bài phát biểu của Tổng thống Obama có sức “truyền lửa” cho giới trẻ. “Một bài phát biểu rất chân thành và sâu sắc, giúp em hiểu thêm rằng thế giới này có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, cho cả giới lãnh đạo cũng như người dân. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần nỗ lực, quyết tâm để hóa giải thách thức, biến đó thành cơ hội".

Đối với Long, bài phát biểu của ông Obama có sức truyền lửa, khích lệ sự nỗ lực của giới trẻ
Đối với Long, bài phát biểu của ông Obama có sức "truyền lửa", khích lệ sự nỗ lực của giới trẻ

Khi được hỏi về điều ấn tượng nhất trong buổi nói chuyện, Long trả lời rằng, đó chính sự khẳng định về lập trường, quan điểm của Mỹ về vấn đề về an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

“Ông Obama nói, Biển Đông là vấn đề của khu vực và quốc tế. Dù không phải là nước có tranh chấp tại đây, nhưng là một nước lớn với chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ tiếp tục can dự vì lợi ích của họ ở khu vực và vì hòa bình ổn định ở khu vực và thế giới.

Dù là nước lớn hay nhỏ cũng đều có chủ quyền của mình và phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ”, Long nhớ lại.

“Một bài phát biểu rất ý nghĩa với thế hệ trẻ chúng em, khích lệ sự sáng tạo, học hỏi và nỗ lực không ngừng để theo đuổi mục tiêu mà mình đặt ra vì tương lai sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những người biết phấn đấu”, Nguyễn An Huy, sinh viên trường Học viện Ngoại giao bày tỏ cảm nhận về bài diễn văn của người đứng đầu Nhà Trắng.

Huy rất tâm đắc đoạn ông Obama nói về quyền bình đẳng cho nữ giới và thúc đẩy tự do cá nhân giúp mang lại nền tảng cho sự thịnh vượng của người dân, thúc đẩy sự đam mê và sáng tạo của giới trẻ.

Nhiều bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm sau khi bài phát biểu của Tổng thống Obama kết thúc
Nhiều bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm sau khi bài phát biểu của Tổng thống Obama kết thúc

Bùi Huyền, một sinh viên của trường Đại học Hà Nội, chia sẻ: “Em mới chỉ được nhìn thấy Tổng thống Obama trên tivi và báo chí, lần này được gặp ông ở Hà Nội, em vui lắm. Em được biết có thông tin về chuyến thăm Việt Nam của bác ấy từ cuối năm ngoái và hy vọng sẽ có dịp được gặp.

Tổng thống Obama khác nhiều so với em tưởng tượng, ngoài vẻ nghiêm trang của một chính trị là sự thân thiện và gần gũi đến không ngờ, như việc đi ăn bún chả ở Hà Nội tối qua chẳng hạn”.

Huyền cảm thấy rất ngạc nhiên và thú vị khi nhà lãnh đạo Mỹ nhắc tới nhiều yếu tố lịch sử và văn hóa Việt Nam trong bài phát biểu của mình, từ áng thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt trong bài "Nam Quốc Sơn Hà" đến lẩy Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du và ca từ trong bài hát “Nối vòng tay lớn” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao...

Nhiều bạn trẻ cũng thể hiện niềm vui được gặp Tổng thống Obama nhưng tiếc rằng không được chụp ảnh kỷ niệm và trò chuyện cùng ông do thời gian hạn chế.

Trưa ngày 25/5, Tổng thống Obama sẽ rời Tp. Hồ Chí Minh để sang Nhật Bản dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng, kết thúc chuyến công du Việt Nam trong 3 ngày.

Bài phát biểu của Tổng thống Obama lay động sâu sắc trái tim hàng triệu người Việt Nam

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết nhận định, bài phát biểu của Tổng thống Obama đã thể hiện rất rõ tầm trí tuệ và đẳng cấp văn hoá. Tất cả những vấn đều mang tầm quốc tế, liên quan tới mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia vốn là cựu thù đã được đề cập một cách giản dị và đầy thuyết phục.

Tuy nhiên, điều khiến bài phát biểu của ông lay động sâu sắc trái tim hàng triệu người Việt Nam không chỉ là các vấn đề ở tầm vĩ mô mà lại xuất phát từ cách nói bình dị, gần gũi cùng thái độ thân thiện, cởi mở. Đặc biệt là cách diễn đạt các vấn đề quan trọng bằng những yếu tố văn hoá, lịch sử của chính đất nước Việt Nam.Ý thức về sự tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia được kết nối từ hình ảnh thân thuộc mà bất khuất quật cường của cây tre Việt Nam đến tinh thần hào sảng của bài "Thơ thần" Nam quốc Sơn hà; kết nối từ những lời bất hủ về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kì năm 1776 tới tư tưởng vĩ đại trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945.

Mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia cũng được quan sát ở góc độ nhân văn qua ca từ ngọt ngào xúc động của Văn Cao trong bài hát Mùa xuân đầu tiên " từ nay người biết quê người/ từ nay người biết thương người". Mối quan hệ đó càng được Tổng thống Mỹ khẳng định sâu sắc hơn khi ông nhắc tới ca từ " Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn. Và lòng tin thấm thía chân thành ngay lập tức chạm vào những trái tim Việt khi ông Obama kết thúc bài phát biểu bằng lời thơ tha thiết của Nguyễn Du: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi"...

Những hiểu biết sâu sắc về đất nước Việt Nam với hình tượng trống đồng, lụa, tranh trong Văn miếu, nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng, những thắng cảnh như Hạ Long, Sơn Đoòng... khiến vị Tổng thống của một đất nước cách xa chúng ta nửa vòng trái đất bỗng trở nên thật gần gũi.

Dùng ngôn ngữ của một đất nước xa lạ (dù chỉ là lời chào) để giao tiếp với người dân nước đó, đề cập tới các vấn đề lớn bằng những yếu tố văn hoá, lịch sử của Việt Nam trong bài phát biểu với những người Việt Nam, Tổng thống Obama đã cho thấy không chỉ sự thấu hiểu mà còn là thái độ trân trọng, một hành vi văn hoá tinh tế luôn tạo ra hiệu quả tốt đẹp trong giao tiếp!

Mỹ Hà (ghi)

Nam Hằng