Tốt nghiệp ĐH, tìm việc… phục vụ người chết

(Dân trí) - Trong một hội chợ việc làm đặc biệt diễn ra mới đây ở Thượng Hải (Trung Quốc), có tới hơn 900 cử nhân nộp đơn xin làm việc ở những vị trí như nhân viên kinh doanh dịch vụ tang lễ, kiến trúc sư lăng mộ, nghệ sĩ trang điểm cho người quá cố…

Hội chợ do Ban tang lễ và hỏa táng thuộc cục dân sự TP Thượng Hải tổ chức để tìm kiếm nhân lực vì hiện tại Thượng Hải còn thiếu 300 nhân viên làm việc tại 18 nhà tang lễ và nghĩa trang của TP.

Sau các vòng tuyển chọn, có 366 cử nhân lọt vào vòng cuối. Các thí sinh này sẽ được phỏng vấn và đào tạo để xem họ có đủ “dũng khí” đảm nhận công việc này hay không. Họ sẽ được nghe thuyết trình của các chuyên gia giàu kinh nghiệm và thăm Bảo tàng Tang lễ Thượng Hải cũng như thăm các nhà tang lễ và nghĩa trang.

 
Tốt nghiệp ĐH, tìm việc… phục vụ người chết - 1

Các cử nhân ở Thượng Hải (Trung Quốc) gặp gỡ đại diện các công ty tang lễ để tìm hiểu về các công việc ở đây. (Ảnh: China Daily)
 
Gu Yu, cử nhân ngành kinh tế và thương mại quốc tế trường Đại học Vân Nam, cho biết  cậu không cảm thấy ngần ngại khi làm việc liên quan đến người chết. Gu Yu nghĩ rằng đó là công việc ổn định và ít căng thẳng hơn nhiều so với các công việc khác ở các công ty và bố mẹ cậu cũng ủng hộ sự lựa chọn này của cậu.

Còn Xia Yawen, sinh viên ngành Bảo vệ môi trường ở Viện Công nghệ Thượng Hải, đã nộp đơn làm lễ tân ở nhà tang lễ Baoxing. Xia thổ lộ: “Tôi không nghĩ rằng vị trí này sẽ mang lại vận rủi cho tôi, nhưng tôi vẫn không dám xin làm vị trí của thợ trang điểm cho người quá cố!”

Ông Wang Hongjie ở Ban tang lễ và hỏa táng TP Thượng Hải cho biết ngành dịch vụ tang lễ là ngành ít có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng làm việc trong ngành này.

 

Trên thực tế, người làm việc trong ngành tang lễ cũng có những cái khổ riêng của mình, đó là họ không dám thăm bạn bè hay người thân vào dịp Tết bởi vì họ bị coi là những người không may mắn. Họ cũng không dám thăm bệnh nhân ở các bệnh viện vì không muốn gợi cho họ liên tưởng không hay.

 

Có lẽ cũng vì những lý do này mà khoảng 10% trong số hơn 900 cử nhân nộp đơn ứng cử đã xin rút đơn vì các lý do liên quan đến gia đình hoặc bởi vì họ đã tìm được nghề khác. Ông Wang Hongjie lý giải rằng đây cũng là điều dễ hiểu bởi vì không phải gia đình nào cũng đồng ý cho con em mình làm cái nghề đặc biệt này.

 

Ông Wang Hongjie nhắc nhở các ứng viên phải chuẩn bị tâm lý thật tốt và có sự lựa chọn hợp lý khi cân nhắc làm việc trong ngành tang lễ. 

Xuân Vũ
Theo Chinadaily/CRI