TP.HCM: Căng thẳng trường lớp đầu năm học mới

(Dân trí) - Năm học 2015-2016, TPHCM tăng thêm 85.000 học sinh và xây thêm 1.500 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu. Nhiều quận, huyện phải chấp nhận sĩ số học sinh/lớp đông nên hiệu quả đổi mới của ngành Giáo dục chưa đạt như mong muốn.

Ngày 26/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị về công tác chuẩn bị năm học mới 2015-2016 với sự tham gia của đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, và UB MTTQ của 24 quận/huyện trên địa bàn.

ong-le-hoai-nam-pgd-so-gd-tphcm-260815-473bb

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM phát biểu tại hội nghị về công tác chuẩn bị năm học mới 2015-2016 do UB MTTQ VN TPHCM tổ chức

Tham dự hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Năm 2015-2016, toàn thành phố tăng 85.145 học sinh nhưng chỉ tăng thêm 44 trường mới với khoảng 1.200 phòng học mới. Đặc biệt, ở bậc tiểu học chỉ thêm 6 trường mới trong khi số học sinh tăng lên tới hơn 26.700 em.

Dự kiến sĩ số bình quân ở các trường công lập là hơn 41 học sinh/lớp. Trong đó, ở bậc mầm non khoảng hơn 35 học sinh/lớp; bậc tiểu học hơn 40 em/lớp.

Cũng theo ông Nam, với áp dụng sĩ số như dự kiến trên, năm học 2015-2016 tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và THCS vẫn giữ ngang mức với năm học 2014-2015. Tuy nhiên, ở một số quận như quận 12, Bình Tân, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học giảm thấp hơn so với năm học 2014-2015.

truong-lop-tphcm-anh-minh-hoa-3cea4
Năm mới, TPHCM vẫn tiếp tục căng thẳng vấn đề trường lớp do dân số tăng cơ học

“Năm học 2015-2016, những quận, huyện có áp lực lớn về điều kiện cơ sở vật chất, có nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh ở cấp tiểu học gồm: quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân do tốc độ tăng dân số cơ học cao. Đặc biệt, quận 12 có dân số độ tuổi đi học tăng hơn 8.000 em nhưng năm học 2015-2016 không có thêm một phòng học mới nào ở tất cả các cấp học, ngành học”.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho biết ngân sách TPHCM còn chi hơn 311 tỉ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung thiết bị cho các trường để chuẩn bị cho năm học này.

Theo báo cáo của Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam quận Bình Tân, dù quận luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tuy nhiên vẫn còn một số trường còn hạn chế, sĩ số học sinh/lớp vẫn đông, việc bố trí học 2 buổi/ngày còn thấp. Do đó, hiệu quả đổi mới giáo dục theo yêu cầu của ngành chưa đạt mong muốn.  Hơn nữa số học sinh tăng liên tục hàng năm dẫn đến đội ngũ giáo viên luôn biến động so với lớp, nhiều giáo viên dạy không đúng chuyên môn nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cũng vì sỉ số lớp quá đông nên quận chưa xây thêm được trường đạt chuẩn quốc gia.

Liên quan đến vấn đề số học sinh tăng cơ học, TS Hồ Hữu Nhựt - Ủy viên UB MTTQ Thành phố cho rằng quận Bình Tân và huyện Bình Chánh tăng dân số cơ học rất nhanh. Năm học 2015-2016, Bình Tân tăng trên 12.000 học sinh và Bình Chánh tăng 11.000 học sinh. Huyện Bình Chánh cần 441 giáo viên nhưng chỉ mới tuyển được 226 giáo viên tức còn thiếu 50% so với yêu cầu.

Theo ông Nhựt, vấn đề tăng dân số cơ học một phần do chủ các xí nghiệp, nhà máy tạo ra khi chỉ sử dụng công nhân 2,3 năm rồi sa thải để tuyển mới. “Khi công nhân cũ ở các tỉnh bị sa thải, họ vẫn ở lại thành phố và không hồi hương. Trong khi đó, số công nhân mới từ các tỉnh cũng đem theo con góp phần làm tăng học sinh cơ học, làm tăng gánh nặng cho ngành giáo dục và thành phố”, TS Hồ Hữu Nhựt nêu.

ubmt-tp-26-8-gs-tran-dong-a-gop-y-cho-van-de-thuc-trang-thieu-truong-lop-do-dan-so-tang-co-hoc-2937f

GS. Bác sĩ Trần Đông A, ủy viên UB MTTQ Việt Nam góp ý cho vấn đề xây dựng trường lớp ở TPHCM

Do đó, ông Nhựt đề ra giải pháp: “yêu càu các xí nghiệp, nhà máy nước ngoài không sa thải công nhân sau 2,3 năm làm việc. Hoặc thành phố nên tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, dịch vụ còn các xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường nên đưa ra xa thành phố”.

Còn GS. Bác sĩ Trần Đông A, Ủy viên UB MTTQ Việt Nam khóa VI góp ý rằng việc một số quận không có đất để xây dựng mới trường như quận 12, Hóc Môn… dẫn đến chất lượng giáo dục toàn diện giảm. “Điều này đòi hỏi sự phối hợp của các ban ngành để giải quyết, giúp Sở GD-ĐT thực hiện việc xây dựng thêm trường học mới”, GS. Trần Đông A nói.

Lê Phương

(Email: lephuong@dantri.com.vn )