TPHCM vẫn còn “nặng” dạy chay, đọc chép

(Dân trí) - Tại nhiều trường học ở TPHCM vẫn còn tình trạng đọc chép, dạy chay; chưa chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi hình thức tổ chức, không gian học tập cho học sinh; các giờ thực hành thí nghiệm còn mang tính đối phó...

Nhiều hạn chế của giáo dục ở bậc trung học trên địa bàn được Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra trong báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM người đứng đầu một số trường trung học chưa quan tâm đến chủ trương đổi mới giáo dục. Thế nên vẫn còn một số hiện tượng đọc chép, dạy chay; chưa chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi hình thức tổ chức, không gian học tập cho học sinh; các giờ thực hành thí nghiệm còn mang tính đối phó; thiếu đầu tư, nâng cấp, mua sắm thiết bị, dụng cụ dạy học; phòng thực hành, dụng cụ thí nghiệm nghèo nàn...

Bên cạnh chất lượng dạy học thì còn nhiều vấn đề nổi cộm được chỉ ra như hồ sơ sổ sách quản lý chuyên môn còn mang tính đối phó; hoạt động giáo dục học sinh chưa ngoan, phòng chống lưu ban, bỏ học ở nhiều quận huyện hiệu quả còn thấp.

Tỷ lệ học sinh yếu kém, nghỉ, bỏ học chưa giảm ở các địa bàn khó khăn, dân nhập cư đông. Nhà trường còn tháo khoán việc phụ đạo học sinh kém cho giáo viên.

Về hoạt động nghề, tuy nhiều học sinh được tư vấn chọn nghề nhưng Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra tồn tại việc tư vấn, hướng dẫn ở các trường còn nghiêng về việc giới thiệu các cơ sở đào tạo.Việc giảng dạy nghề trong trường phổ thông nặng lý thuyết, thiếu thực hành, học sinh chưa tiếp cận được với các hoạt động nghề thực tiễn sinh động trong đời sống. Trong quá trình học, các em không tạo ra được các sản phẩm cụ thể. Động cơ học nghề còn nặng về việc tìm điểm ưu tiên trong thi tốt nghiệp, tuyển sinh...

TPHCM là địa phương có mức đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất rất lớn cho trường học. Có thể kể đến đề án đưa bảng tương tác vào trường, sau khi triển khai ở bậc mầm non, tiểu học, thành phố tiếp tục thiết bị này vào bậc THCS, THPT... Mỗi bộ trang thiết bị này có giá 180 triệu đồng, trong đó phụ huynh chi trả 50%.

Tuy vậy, việc học sinh được tiếp cận với thiệt bị hiện đại trong học tập còn rất hạn chế. Trong buổi đối thoại gần đây, một học sinh ở Thủ Đức phản ánh, cả năm các em chỉ được tiếp cận 1 - 2 lần với bảng tương tác. Nhiều học sinh khác cũng phản ánh hạn chế trong hoạt động giáo dục ở trường phổ thông hiện nay như môn học có giờ lý thuyết - thực hành cụ thể nhưng thực tế giờ thực hành giáo viên không dạy hoặc dạy cho có; cơ sở vật chất trường học xuống cấp...

Hoài Nam