Trách nhiệm của Sở GD-ĐT TPHCM ở đâu?

Với mục tiêu của Sở GD-ĐT TPHCM đề ra cho chương trình Tăng cường tiếng Anh (TCTA) là học sinh sẽ đạt được bằng B khi học hết cấp 2 và bằng C khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã thật sự vui mừng khi con tôi đậu vào lớp 6 chương trình TCTA của trường THCS Võ Trường Toản, vào năm 1999.

Cuối cấp 2, trong kỳ thi do trường phối hợp với các trung tâm tổ chức, cháu đã lấy được bằng B loại khá - giỏi và cháu đã được có tên trong danh sách tuyển thẳng vào lớp 10 chương trình TCTA của Trường PTTH Lê Quý Đôn.

 

Xin nói thêm là trong số 180 HS của 6 lớp chương trình TCTA thuộc hai trường THCS Võ Trường Toản và Minh Đức, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ lấy 60 HS vào hai lớp 10 chương trình TCTA của Trường PTTH Lê Quý Đôn là 10A4 và 10A5.

 

Các cháu vẫn học bình thường cho đến cuối năm lớp 11 năm học 2004 - 2005. Vào thời gian trước kỳ nghỉ hè, cô Hiệu trưởng Trần Thanh Vân đã triệu tập phụ huynh của lớp 11A5 (lớp con tôi đang theo học) và cho biết sẽ giải thể lớp để sáp nhập các cháu vào các lớp bình thường với lý do “để các cháu đạt được kết quả tốt cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 3”.

 

Mặc dù đa số phụ huynh tha thiết yêu cầu được giữ lại lớp TCTA này và cô Hiệu trưởng có hứa là xem xét lại, nhưng đến đầu năm học 2005 - 2006 lớp vẫn bị giải tán khiến phụ huynh không khỏi bất ngờ.

 

Như vậy, con em chúng tôi đã phí hoài công sức để theo học chương trình TCTA trong 6 năm qua. Trước sự việc này, tôi xin được hỏi ông Giám đốc Sở GD-ĐT vài điều:

 

1) Chương trình TCTA là chương trình do Sở GD-ĐT chỉ đạo và quản lý, vậy trách nhiệm của Sở đối với học sinh học chương trình này ra sao?

 

2) Khi Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn giải tán lớp TCTA, Sở có biết không và Sở có ý kiến gì khi những yêu cầu được đặt ra cho chương trình này không đạt?

 

Nếu chỉ vì lý do “để đạt được kết quả tốt” như cô Hiệu trưởng đưa ra thì với một lớp chỉ trên dưới 30 HS, các thầy cô hoàn toàn có điều kiện quan tâm và chấn chỉnh lớp giúp các cháu học tốt chứ không phải bằng biện pháp giải tán lớp như đã làm.

 

Mặt khác, bước vào năm học lớp 12, điều mà các cháu cần là ổn định tâm lý để hoàn thành chương trình học. Đứng dưới góc độ sư phạm, biện pháp giải tán lớp có phải cách giáo dục tốt nhất cho các cháu?

 

Nếu biết có ngày hôm nay, tôi đã không cho cháu học tại Trường Lê Quý Đôn mà sẽ để cháu học theo nguyện vọng khi đậu vào Trường THPT Võ Thị Sáu vừa gần nhà, vừa không bị thiệt thòi khi bị giải tán lớp.

 

Tôi mong rằng Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM sẽ trả lời nghiêm túc và có trách nhiệm trước số phận của những học sinh đã từng học chương trình do sở đề ra.

 

Một phụ huynh lớp 11A5 -

trường THPT Lê Quý Đôn

(Theo Sài Gòn giải phóng)