Ý kiến bạn đọc:

Trách phạt học sinh không đúng cách sẽ dẫn đến triệt tiêu giá trị giáo dục

(Dân trí) - Việc trách phạt học sinh thời nay nếu không đúng cách sẽ dễ dẫn đến làm triệt tiêu các giá trị của giáo dục mà không khơi dậy được những tiềm năng con người.

Gia đình liên tục gặp nhà trường sẽ gây ức chế?

Khi cần xử phạt học sinh sẽ cần phải có sự nhìn nhận lại một cách khách quan và đúng đắn trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật và trách phạt học sinh thời nay ở các trường phổ thông, mà đặc biệt là bậc THPT ngày nay.

Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật và trách phạt học sinh như thế nào nhằm đảm bảo có được sự văn minh, nhân ái, tình yêu thương mà các yêu cầu đặt ra của giáo dục vẫn đạt được hiệu qủa thì luôn được xem là cần thiết.

Việc xử lý kỷ luật và trách phạt học sinh được đặt ra với hai mục đích. Một là để răn đe, xử lý học sinh vi phạm, để từ đó các em sẽ phải điều chỉnh lại hành vi của mình cùng với những thái độ và biểu hiện cho phù hợp. Hai là để ngăn ngừa những học sinh khác sẽ không còn vi phạm.

Trên thực tế, để quá trình giáo dục được mang lại hiệu qủa luôn đòi hỏi các nhà giáo phải có sự nghiêm túc và nghiêm khắc là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật và trách phạt học sinh như thế nào để cho phù hợp mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu đặt ra của giáo dục và không làm tổn hại, nhụt chí và thui chột học trò là điều cần thiết phải xem xét và cân nhắc.

Bởi lẽ, trong cách xử lý, việc yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm chỉ đặt ra nếu khi học sinh đã có hành vi mắc lỗi nặng hay có sự vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường, hoặc đã có những hành vi vi phạm liên quan đến đạo đức, nhân cách con người.

Vì thế, nếu nhà trường không yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm thì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu qủa giáo dục nói chung tại trường học, từ đó sẽ không tốt cho quá trình hoàn thiện con người của chính các em.

Đối với việc nhà trường cần phải gặp phụ huynh để trao đổi sẽ chỉ đặt ra nếu khi học sinh đã mắc những lỗi rất nặng, vì nếu không có sự phối hợp với gia đình trong việc giáo dục cho học sinh thì sẽ không mang lại được hiệu qủa, khi đó kết qủa học tập của học sinh không đạt được và gây ảnh hưởng đến qúa trình học tập của các học sinh khác, gây bất lợi cho môi trường học tập và gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển đúng đắn của các học sinh.

Nếu chỉ vì những lỗi rất nhỏ mà nhà trường đã bắt các em phải chịu những hình phạt nhất định sẽ là hà khắc nên sẽ tạo ra tâm lý ức chế và làm nhụt chí học sinh.

Từ đó, các em sẽ dễ bị rơi vào trạng thái bi lụy vì bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, việc các gia đình đã phải liên tục gặp nhà trường chỉ với những lý do khi mà các học sinh đã mắc những lỗi nhỏ sẽ gây ra tâm lý căng thẳng, bức xúc, ức chế cho các cha mẹ học sinh và các em.

Cần có lòng bao dung, cảm hóa của người thầy

Theo sự phát triển của xã hội ngày nay, việc áp dụng các hình thức kỷ luật và trách phạt học sinh thời nay luôn cần đi kèm với đó là sự chấn chỉnh, nâng đỡ để uốn nắt cho học sinh, để từ đó học sinh tu dưỡng mình theo như một câu nói xưa là “lạt mềm mà buộc chặt”, mà đi cùng với đó là lòng bao dung, tình thương yêu, trách nhiệm và sự cảm hóa của người thầy.

Khi người học đã được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục thì cần thiết phải có sự nhìn nhận và xem xét toàn diện về mặt hành vi của học sinh nếu đã có vi phạm theo cách cá biệt hóa và theo hướng cá nhân hóa trách nhiệm học sinh.

Nghĩa là, khi cần thiết phải xử lý kỷ luật do có sự vi phạm của học sinh thì cần thiết phải tính đến các yếu tố tâm sinh lý được thể hiện qua thái độ hành xử, diễn biến sắc thái khác nhau của tâm tư, được thể hiện từ trạng thái tâm thế của người học, để từ đó còn tạo cơ hội cho các em phải tiếp tục rèn luyện và phấn đấu.

Bởi lẽ, đối với những em có một tâm hồn nhạy cảm, còn ngây thơ hay mỏng manh, yếu đuối thì việc trách phạt nặng đối với các em sẽ có thể gây ra nỗi hoảng sợ, thậm chí là khiếp sợ, từ đó sẽ dẫn đến làm cho các em bị mất ý chí hay rơi vào trạng thái tự ti và mặc cảm, từ đó dẫn đến mất lý trí mà hệ qủa là các mục tiêu đặt ra của giáo dục sẽ không đạt được.

Theo quy định tại điều 1 của Luật trẻ em năm 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi, nên đối với học sinh ở bậc THPT, với đa phần các em không còn là trẻ em nữa. Vì thế rất cần có được sự tôn trọng mà những việc kỷ luật hay trách phạt được đặt ra cần có sự nhạy cảm, linh hoạt và hợp lý khi có sự vi phạm.

Chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục, theo đó, một trong những tiêu chí được đặt ra là để cho các học sinh luôn có được một môi trường học tập tự nhiên, thoải mái, vui tươi và thân thiện, khi đó giữa các giáo viên và các học sinh sẽ luôn cần có sự gần gũi mà không có khoảng cách.

Và các em luôn cần được học trong một trạng thái hưng phấn, tập trung và ổn định, vì sự phát triển toàn diện của các học sinh. Vì thế, điều mà chúng ta cần ở đây là làm sao để các học sinh thấy được giá trị của kiến thức, sự cần thiết của học tập để từ đó các em luôn có sự say mê, hứng thú với học hành, để được hoàn thiện mình, rèn luyện nhân cách, điều chỉnh các hành vi và những cách ứng xử. Khi đó, việc trách phạt các học sinh sẽ chỉ là một vấn đề bất đắc dĩ được đặt ra trong những quá trình giáo dục.

Hiện nay, đời sống của nhân dân đã được nâng cao hơn nên việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái tại các gia đình cũng đã được tốt hơn, vì thế, việc trách phạt học sinh thời nay nếu không đúng cách sẽ dễ dẫn đến làm triệt tiêu các giá trị của giáo dục mà không khơi dậy được những tiềm năng con người.

Trần Trí Dũng