Trên con đường các em đặt chân

Chưa bao giờ thị trường sách thiếu nhi lại phong phú và đa dạng như hiện nay. Tuy nhiên, để có những tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam hấp dẫn, lôi cuốn các em vẫn là một thách thức, đòi hỏi nỗ lực và tâm huyết của những người cầm bút.

Là một nhà văn gặt hái nhiều thành công với những tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cùng trang “Sách và cuộc sống” trao đổi, chia sẻ cùng bạn đọc và người viết về vấn đề trên.

 

Các tác phẩm văn học thiếu nhi trước hết và chủ yếu là những tác phẩm viết cho thiếu nhi chứ không phải là viết về thiếu nhi. Văn học thiếu nhi là văn học phục vụ cho những bạn đọc nhỏ tuổi, do đó phải xem thiếu nhi là đối tượng cảm thụ chứ không đơn giản chỉ là đối tượng miêu tả, dù rằng viết về thiếu nhi cho thiếu nhi đọc bao giờ cũng được xem là phương pháp thích hợp nhất.

 

Có những cuốn sách trong đó vô số trẻ em đi lại tung tăng nhưng nếu vấn đề đặt ra trong tác phẩm là vấn đề của người lớn thì khó mà nói đó là tác phẩm văn học thiếu nhi. Ngược lại có thể xem là văn học thiếu nhi một tác phẩm khiến trẻ em hứng thú, giúp các bạn đọc nhỏ tuổi tìm thấy những giấc mơ của mình trong tác phẩm không hề có bóng dáng một trẻ em nào. Trong trường hợp này, có thể xem những câu chuyện cổ tích là một ví dụ điển hình.

 

Có nhiều cách viết cho thiếu nhi, cũng như có nhiều con đường dẫn đến thành La Mã. Truyện của Gai-đa khác xa truyện của Nô-xốp. Cách viết của Mác Tuên không giống chút gì với cách viết của An- đéc-xen. Mà trẻ em vẫn thích như nhau. Từ đó suy ra, cũng như những tác phẩm dành cho người lớn, sáng tác cho trẻ em không có cách viết nào được coi là tối ưu nhất, càng không có cách viết nào gọi là duy nhất.

 

Tuy vậy, dù là bút pháp rất khác nhau, chủ đề và đề tài cụ thể rất khác nhau, cách tiếp cận vấn đề rất khác nhau, truyện của các tác giả nói trên vẫn có một điểm chung rất dễ thấy: Họ sử dụng một hệ thống hình ảnh và ngôn ngữ giản dị, trong sáng và gần gũi với nhận thức của trẻ em.

 

Trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi, có rất nhiều con đường nhưng không phải con đường nào cũng dẫn đến La Mã. Phải trên con đường thích hợp cho các bạn đọc nhỏ tuổi đặt chân, người viết mới có thể rủ rê, lôi kéo, dìu dắt các em đi theo.

 

Nhưng trẻ em cũng có thể hào hứng đi trên những con đường không thể kiểm soát. Những cuốn sách đánh vào lòng hiếu kỳ, khơi gợi cảm giác mạnh, thậm chí đề cao bạo lực, vẫn có chỗ hấp dẫn các em. Ở đây, vấn đề liên quan đến ý thức và trách nhiệm của người cầm bút với bạn đọc nhỏ tuổi của mình.

 

Với những tác phẩm dịch dành cho thiếu nhi, thiết tưởng các nhà xuất bản cần thận trọng với những gì không phù hợp do sự khác biệt văn hóa đưa đến. Có thể tin rằng một tác phẩm viết cho thiếu nhi thành công là một tác phẩm ít nhất phải đạt được hai yếu tố: trẻ em khen hay và phụ huynh khen tốt. Cái vế sau thường dễ bị các nhà làm sách vô tình hay cố ý bỏ qua.

 

Trẻ em khen hay, phụ huynh khen tốt, đã là thành công. Còn nếu phụ huynh không chỉ khen tốt mà còn khen hay nữa thì là tuyệt vời. Tất nhiên, một tác phẩm hấp dẫn cả trẻ em lẫn những ai từng là trẻ em, theo tiêu chuẩn của Mác Tuên, là một tác phẩm không phải lúc nào cũng sáng tạo ra được.

 

Nhưng dù sao chúng ta vẫn hy vọng rằng, nếu thực sự có một ý tưởng rõ ràng và không ngừng nỗ lực thực hiện cho bằng được, các nhà văn tâm huyết cho thiếu nhi ở nước ta sớm muộn gì cũng sẽ đem đến cho bạn đọc những tác phẩm như thế. Mong lắm thay! 

 

Nguyễn Nhật Ánh

Theo SGGP