Trí tuệ Việt ở năm châu

(Dân trí) - Trong những năm qua, cộng đồng người Việt không ngừng khẳng định tài năng và trí tuệ của mình qua những thành công trong học tập, nghiên cứu. Năm 2009, điều này một lần nữa được khẳng định với nhiều thành công mới của con Lạc cháu Hồng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Rạng danh những gương mặt Việt trên đất Mỹ

Mỹ là nước có đông người Việt sinh sống nhất bên ngoài Việt Nam. Năm 2009 vừa qua, tại quốc gia này nhiều gương mặt trí thức và nhà nghiên cứu có những thành công nổi bật và được vinh danh, mang lại niềm tự hào không chỉ cho cộng đồng những người Việt xa xứ.

Một trong những gương mặt đầu tiên phải kể đến là Giáo sư Ngô Bảo Châu, người có công trình nghiên cứu được Tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009.
 
Trí tuệ Việt ở năm châu - 1
Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Khi đang học khối phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Ngô Bảo Châu đã đoạt liên tiếp 2 Huy chương Vàng Olympic toán quốc tế tại Australia và CHLB Đức trong 2 năm 1988 và 1989. Anh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Paris năm 25 tuổi. Năm 2004, ở tuổi 32, Ngô Bảo Châu đã được Viện Toán học Clay trao tặng giải thưởng tại Đại học Harvard về công trình nghiên cứu Le lemme fondamental pour les groupes unitaires (Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita), để "công nhận thành tựu đặc biệt xuất sắc trong toán học" của anh. Cũng năm 2004, Ngô Bảo Châu đã được hai trường đại học lớn ở Pháp là Paris 6 và Paris 11 mời làm Giáo sư. Giáo sư Ngô Bảo Châu hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp (IAS) ở Princeton (Mỹ), đã nghiên cứu thành công và đưa ra chứng minh xuất sắc cho bổ đề cơ bản "chương trình Langlands".  Với công trình chứng minh lý thuyết mang tính cách mạng trong toán học do nhà toán học Robert Langlands phát triển từ năm 1979, Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã giải quyết thành công một trong những bài toán hóc búa của thế giới trong suốt gần 30 năm qua.

Đáng chú ý là các nhà khoa học nữ. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên một nhà nghiên cứu nữ người Việt tại Mỹ đã gây được sự chú ý trong giới khoa học khi chị giành được giải thưởng Alfred Sloan danh giá. Nguyễn Thục Quyên là Giáo sư của Trường đại học Santa Barbara ở California (Mỹ). Từ một sinh viên làm thêm công việc rửa cốc chén tại phòng thí nghiệm của Đại học Santa Barbara để có tiền ăn học, chị đã trở thành một trong những Giáo sư hàng đầu tại trường ĐH này. Với giải thưởng Alfred Sloan trong năm qua, Nguyễn Thục Quyên trở thành một trong những nhà khoa học tiên phong của  61 trường CĐ và ĐH hàng đầu tại Mỹ và Canada. Một nhà khoa học khác là Giáo sư Charles Cường Nguyễn, trưởng khoa của Trường ĐH Catholic University of America, người giành được Giải thưởng Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement Award) của Liên hội Kỹ sư và kiến trúc sư Mỹ tại thủ đô Washington.

Năm 2009 cũng chứng kiến những thành công về mặt xã hội của người Việt tại Mỹ.

Bên cạnh những tên tuổi đã thành danh trên là nhiều gương mặt người Việt trẻ xuất sắc mới xuất hiện. Trong năm qua, tại Mỹ đã có nhiều học sinh người Việt tại Mỹ đạt danh hiệu Thủ khoa và Á khoa. Không ít học sinh gốc Việt đã giành được Học bổng và Giải thưởng của Tổng Thống Mỹ như các em Thông Thái, David Đỗ... nhiều học sinh được vinh danh với các giải thưởng và học bổng trị giá hàng trăm nghìn USD. Và còn rất nhiều, rất nhiều những gương mặt trẻ đầy triển vọng khác.

Trí tuệ Việt trẻ ở châu Âu

Tại châu Âu, nhiều thành công của người Việt cũng rất đáng tự hào. Tiến sỹ Philipp Roesler, một người gốc Việt 36 tuổi, đã trở thành Bộ trưởng Y tế của CHLB Đức. Việc vị Tiến sỹ sinh ra tại Khánh Hòa, Việt Nam trở thành Bộ trưởng ở cấp liên bang trẻ nhất của Đức từ trước đến nay đã gây tiếng vang trên chính trường Đức. Việc anh trở thành vị Bộ trưởng nội các gốc Á đầu tiên tại Đức càng khẳng định tài năng của người Việt tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
 
Trí tuệ Việt ở năm châu - 2
Tiến sỹ Philipp Roesler.
 
Ở Bỉ, năm qua, cái tên Đặng Vũ Thiên Thanh đã xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn với những lời đánh giá cao về tài năng của nhà khoa học người Việt Nam này. Sau khi tốt nghiệp Y khoa hạng tối ưu tại Đại học Liège (Bỉ), anh đã giành được 12 giải thưởng xuất sắc và là bác sĩ thành viên trẻ nhất của Hội Bác sĩ quốc gia Bỉ. Giờ đây, Đặng Vũ Thiên Thanh đang là Tiến sỹ khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu bộ não người đầy mới mẻ của thế giới.

Niềm tự hào Việt nơi xứ sở Bạch Dương

Tại Liên bang Nga, mặc dù thời gian gần đây cộng đồng người Việt gặp phải không ít biến động về đời sống và kinh tế, nhưng nhiều trí thức người Việt vẫn giành được những thành tích trong học tập và nghiên cứu xuất sắc. Tháng 4/2009, tại thủ đô Moscow, Tiến sĩ người Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch đã được trao Huy hiệu "Nhân vật của thiên niên kỷ" để tôn vinh những người xuất sắc có nhiều đóng góp cho sự phồn vinh của nước Nga. Hiện nay có khoảng hơn 5000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học của nước này. Nhiều sinh viên đoạt giải thưởng quốc tế về công trình nghiên cứu khoa học, được cấp học bổng theo học tại các trường danh tiếng trên thế giới. Năm 2009, 40% sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Nga đã đạt bằng Đỏ. Năm 2009 trên toàn Liên bang Nga có 86 em học sinh Việt Nam đạt kết quả xuất sắc trong học tập, được nhận phần thưởng của Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt tại Liên bang Nga. Trong đó, có em đoạt giải nhì trong kỳ thi Olympic Hóa học toàn Liên bang Nga.
 
Trí tuệ Việt ở năm châu - 3
Du học sinh Việt Nam tại Pháp.

Phát huy chất xám Việt kiều để chấn hưng đất nước

Những thành tích trên con đường học vấn trong năm qua đã cho thấy truyền thống hiếu học được cộng đồng người Việt ở nước ngoài duy trì và phát triển rất tốt. Theo ước tính, hiện nay lực lượng trí thức người Việt đang sinh sống ở nước ngoài gồm hơn 300 nghìn người có trình độ đại học trở lên. Đây là đội ngũ chất xám phần lớn được đào tạo cơ bản ở những quốc gia phát triển, có trình độ chuyên môn cao và hoạt động trong hầu hết các ngành và lĩnh vực, là một nguồn lực vô cùng quý giá có thể đóng góp và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Mỗi năm, có hàng trăm trí thức kiều bào về nước tham gia giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học... Cùng với những thành công tiếp theo của trí tuệ Việt ở khắp năm châu trong năm 2010, hy vọng Nhà nước ta sẽ có những chính sách hiệu quả hơn nhằm huy động những tài năng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Vũ Anh Tuấn