Triệu phú tàu hũ

Đinh Tuấn Ân - một chàng trai Quảng Ngãi, quyết định bỏ tấm bằng đại học ngành Tài chính - ĐH Ngân hàng TPHCM, bằng niềm đam mê và khao khát đưa món tàu hũ trở thành một thương hiệu. Qua nhiều khó khăn, Ân đã trở thành giám đốc Công ty TNHH tàu hũ HAT. Hiện mỗi tháng Ân thu về gần 200 triệu đồng từ món ăn đậm chất Quảng Ngãi.

Đinh Tuấn Ân còn là tác giả của cuốn sách “Giá như tôi biết điều này trước khi thi đại học” được nhiều bạn sinh viên, học sinh đón nhận.

    Giấc mơ tàu hũ xứ Quảng

    Bước vào cửa hàng Tàu hũ HAT nổi bật trên con đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) có cảm giác như bước qua một nhà hàng sang trọng: Phòng máy lạnh với những bộ bàn ghế thanh lịch được trang trí bắt mắt. Không ai nghĩ tàu hũ lại được nâng tầm lên một phong cách “sang trọng” đến như thế.

    Câu chuyện về con đường đại học của Tuấn Ân gợi đến môt thực tế của nhiều bạn trẻ: Vào đại học không được định hướng nghề nghiệp, chọn nghề thì quan tâm nhiều đến ngành “hot”, trường “top” và Tuấn Ân chọn khoa Tài chính ngân hàng. Mọi chuyện sẽ “rất ổn” khi anh đậu và một tương lai được mở ra: Vào ngành “hot” ra trường có việc làm ổn định, gia đình được nở mày nở mặt.
     
    Đinh Tuấn Ân
    Đinh Tuấn Ân.

    Nhưng, con đường đại học không tuyệt vời như anh và mọi người thường nghĩ. Những năm đầu, môi trường đại học gây cho anh nhiều khó khăn. Tuấn Ân bắt đầu chán nản, bối rối khi mất phương hướng về tương lai. Mãi cho đến năm 4 đại học, như một “cơ duyên”, một buổi chiều nằm nghe tiếng rao của cô bán tàu hũ Quảng Ngãi - món ăn đã theo suốt tuổi thơ của anh. Nhờ tiếng rao ấy, anh đã nghĩ đến việc kinh doanh một thứ gì đó.

    Và giấc mơ tàu hũ được bắt đầu từ một lần dạo phố, khi đi qua chuỗi cửa hàng KFC, Tuấn Ân liền nghĩ: “Tại sao gà rán lại trở thành một thương hiệu mà tàu hũ thì không? Tại sao cứ phải kinh doanh một thứ cao siêu?”. Và hành trình thực hiện giấc mơ tàu hũ bắt đầu.

    Từ gánh hàng rong đến thương hiệu

    Ít ai biết rằng, để có được một chuỗi cửa hàng sang trọng hôm nay thì những ngày đầu Tuấn Ân là anh chàng bán rong tàu hũ. Suốt gần nửa năm anh mang tàu hũ đi bán dạo quanh Sài thành: Từ khu vực chợ Bến Thành đến Làng đại học. Chính những khởi đầu nhỏ bé ấy đã đưa Tuấn Ân đến một suy nghĩ lớn hơn “Tàu hũ là một nét ẩm thực đặc biệt, không thể mãi mãi chỉ là vài gánh bán dạo”. Nhưng không kinh nghiệm, không vốn thì phải bắt đầu từ đâu?

    Đinh Tuấn Ân bắt đầu thuyết phục những người bạn thân của mình hùn vốn để mở của hàng tàu hũ. Đó là Nguyễn Lê Hân và Mai Thanh Tùng (cái tên tàu hũ HAT chính là tên viết tắt của 3 chủ nhân này). Ngoài ra, Tuấn Ân còn “rủ rê” thêm một người là chị của một bạn trong nhóm biết nấu món này rất giỏi về làm chung.

    Hỏi về số vốn ban đầu, Tuấn Ân cho biết anh đã thuyết phục bố mẹ cho mình tiền mua máy tính xách tay để... học đại học. 15 triệu đồng cho một khởi đầu mới, anh dùng 3 triệu mua một máy tính cũ để phục vụ việc tính toán trong kinh doanh, số còn lại cộng thêm tiền vay mượn của bạn bè cũng được tổng cộng gần 70 triệu dành cho việc mua sắm dụng cụ cho cửa hàng. Tất nhiên là anh phải giấu kín chuyện mang tiền đi kinh doanh với bố mẹ.
     
    Đinh Tuấn Ân và các bạn
    Đinh Tuấn Ân và các bạn.
     
    Cửa hàng tàu hũ HAT đầu tiên được ra mắt ở ký túc xá Trường Đại học Nông - Lâm TPHCM với sứ mệnh “Phong cách mới, hương vị mới”. Và rất bất ngờ, khách đến với tàu hũ HAT những ngày đầu rất đông. Tuấn Ân và những cộng sự của mình phải thức trắng mới xong việc. Hai tuần đầu doanh thu đã lên tới 50 triệu đồng - một con số mơ ước với những ai bắt đầu khởi nghiệp. Nhưng đó chỉ là sự hiếu kỳ nhất thời của khách hàng, những ngày sau khách đã giảm xuống nhanh chóng với lý do đơn giản: “Tàu hũ HAT chưa ngon bằng tàu hũ của mấy cô bán dạo”. Việc kinh doanh đứng trên bờ vực phá sản, Tuấn Ân phải ôm một số nợ khá lớn.

    Chọn nghề như chọn bạn đời

    Thời gian kinh doanh thất bát cũng là khi anh đang bước vào những ngày thi tốt nghiệp đại học. Khi chỉ còn hai môn cuối để có tấm bằng đại học của một trường có tiếng thì Tuấn Ân quyết định bỏ. Nhiều người cho rằng anh “khùng” và khá sốc trước quyết định của anh. Chia sẻ về quyết định này Tuấn Ân cười: “Ngay từ khi còn ở trên giảng đường đại học mình đã xác định học để lấy kiến thức và thực hiện niềm đam mê kinh doanh của mình nên thú thật tấm bằng với mình và so với tính chất công việc tôi đang làm nó không có ý nghĩa nhiều.

    Sau những ngày tháng bán dạo, làm đầu bếp, thành công, thất bại, Tuấn Ân cùng những cộng sự rút ra được nhiều bài học cho mình. Quyết tâm duy trì cửa hàng tàu hũ HAT, Tuấn Ân đón nhận từng góp ý của khách hàng. Từ một món tàu hũ truyền thống, hiện chuỗi cửa hàng của Tuấn Ân có hơn 30 loại với nhiều khẩu vị lạ, đem lại nhiều thú vị cho thực khách. Tất cả những công thức nấu tàu hũ được phát hiện và chỉ có ở tàu hũ HAT, một số cái tên có thể kể đến như: Tàu hũ đá lá dứa, tàu hũ đá gấc... với giá cả hợp lý, từ 16.000 - 30.000 đồng/ly.

    Một điểm đặc biệt của tàu hũ HAT là đội ngũ nhân viên chủ yếu là sinh viên, những cửa hàng của HAT đang là sự lựa chọn làm thêm của rất nhiều sinh viên.

    Hiện tại, chuỗi cửa hàng trên địa bàn TPHCM mỗi tháng doanh thu lên tới 200 triệu đồng. Dự án mở rộng tàu hũ HAT đang đi lên khi anh và cộng sự thành lập Công ty TNHH tàu hũ HAT, đồng thời mở luôn bốn chi nhánh: Hai cửa hàng gần Đại học Quốc gia TPHCM, một cửa hàng tại Đại học Nông - Lâm và một cửa hàng tại quận Thủ Đức. Trong thời gian tới sẽ là những thị trường lân cận như Bình Dương, Cần Thơ... Và tất nhiên, giấc mơ tàu hũ không chỉ dừng ở đó, giấc mơ tàu hũ HAT chinh phục thế giới thành thương hiệu toàn cầu như KFC... vẫn đang được Tuấn Ân cùng những người bạn của mình thực hiện từng ngày!

    Chia sẻ về công thức thành công của mình, anh cho biết: “Trước khi làm một nghề, hãy xác định bạn có đam mê không, làm nghề cũng như... lấy vợ là cả một đời - tình yêu, đam mê đó là điều tiên quyết. Thứ hai cần có năng lực sáng tạo làm cho người khác tốt hơn, việc gì cũng vậy, cần có ý nghĩa xã hội. Một yếu tố bất di bất dịch khác là bạn dám thất bại, khi đó bạn cần xác định rằng làm việc để học chứ không phải để kiếm tiền. Và điều cuối cùng, đó là tinh thần làm việc nhóm, thành công rất khó đến nếu bạn chỉ biết làm việc một mình”.

    Không chỉ trở thành triệu phú tàu hũ, mà năm 2013, Tuấn Ân còn xuất bản cuốn sách “Giá như tôi biết điều này trước khi thi đại học” nhanh chóng được mọi người đón nhận, đặc biệt là các bạn trẻ. Đó là những chia sẻ về trải nghiệm của mình, những trăn trở của Tuấn Ân từ lúc đặt bút chọn trường đại học đến khi thành công với tàu hũ HAT.
     
    Theo Đức Lộc
    Lao Động