Trò chuyện với nữ sinh trúng tuyển sớm vào ĐH Pennsylvania

Những trường đại học cấp quốc gia tại Mỹ có đầy đủ các cấp đào tạo từ đại học tới thạc sĩ, tiến sĩ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu, đó là lý do tại sao du học Mỹ luôn là ước mơ cháy bỏng đối với các bạn trẻ trên khắp thế giới.

Lê Thanh Thủy là một trường hợp đặc biệt ở trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã được Đại học Pennsylvania, một trong 8 trường thuộc khối Ivy League (hệ thống những trường đại học hàng đầu) ở Mỹ, nhận trong vòng nộp hồ sơ quyết định sớm (Early Decision) năm 2011 và được cấp học bổng toàn phần với trị giá lên đến 240.000 USD.

Em Lê Thanh Thủy được cấp học bổng toàn phần lên đến 240.000 USD.
Em Lê Thanh Thủy được cấp học bổng toàn phần lên đến 240.000 USD.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nữ sinh đạt giải Nhất quốc gia môn Tiếng Anh năm 2011 để chia sẻ suy nghĩ về nền giáo dục tại một trong những trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ.

Tại sao em quyết định nộp hồ sơ vào Đại học Pennsylvania, trong số nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ ?

Lê Thanh Thủy: Em muốn theo đuổi ngành kiến trúc và chương trình kiến trúc của đại học Pennsylvania được đánh giá là một trong những chương trình tốt nhất ở Mỹ. Bên cạnh đó, trường nằm ở thành phố Philadelphia, một thành phố cỡ vừa nên em sẽ dễ thích nghi vì đã quen với nhịp sống ở Hà Nội. Em cũng cảm thấy thu hút bởi danh tiếng của trường trong khối Ivy League và nghĩ rằng đây là môi trường tốt để mình phát triển.

Tại sao em lại quyết định theo học ngành Kiến trúc?

Kiến trúc là ngành giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học, em cảm thấy ngành này cho phép con người sáng tạo nên những sản phẩm rất đời thực và nhiều tính ứng dụng. Khi bắt tay vào học, em còn nhận ra đây là ngành tiếp nhận rất nhiều khoa học công nghệ mới. Bởi vậy em luôn tìm được hứng thú khi nghiên cứu về chuyên ngành này.

Điểm tổng kết 3,92/4,0 trong hai năm đầu đại học của em thuộc loại xuất sắc. Vậy em đã chuẩn bị như thế nào để đương đầu với những thử thách của nền giáo dục đại học Ivy League?

Điểm tổng kết thực ra không phải là yếu tố tối quan trọng, cái hay của nền giáo dục ở Mỹ là đề cao việc học hỏi. Các giáo sư ở đây đánh giá rất cao sự sự nỗ lực và sự tiến bộ, em nghĩ hai điều này chính là chìa khoá để thành công ở bất cứ đâu. Một điều quan trọng khác chính là khả năng phân bổ thời gian hợp lí cân đối việc học với giao lưu bạn bè, nghiên cứu, đi làm thêm và các hoạt động ngoại khoá khác.

Hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ luôn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, Em đã tham gia vào những hoạt động nào tại Đại học Pennsylvania?

Ở Mỹ, việc tham gia vào các câu lạc bộ là niềm vui rất lớn vì ở đây các hoạt động ngoại khoá rất được coi trọng và diễn ra vô cùng chuyên nghiệp. Em có tham gia vào ARCH tank, một câu lạc bộ ở trong khoa kiến trúc tại trường, Penn Wind Ensemble – một câu lạc bộ âm nhạc, Habitat for Humanity - câu lạc bộ giúp xây nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn, và tổ chức sinh viên người Việt ở Upenn nơi mà em được làm quen với rất nhiều bạn không phải người Việt nhưng tham gia vì muốn biết thêm về đất nước và văn hóa Việt Nam.

Tỷ lệ nhận hồ sơ cho đợt tuyển sinh của trường Pennsylvania khóa 2011 ở mức khá thấp là 9.9%. Những yếu tố nào đã giúp em thành công trong vòng nộp hồ sơ quyết định sớm của trường?

Trong quá trình nộp hồ sơ, bản thân em rất hoang mang không biết mình có cơ hội được nhận hay không, khi đó gia đình, thầy cô và bạn bè đã hỗ trợ em rất nhiều. Một trong những người thầy - người bạn mà em tình cờ quen biết là cô Eleanore Yang đã giúp em hiểu thêm về Pennsylvania thông qua việc trò chuyện với em về trải nghiệm của chính cô khi cô theo học tại ngôi trường này. Đồng thời, em cũng liên lạc với các anh chị lúc đó đang theo học ở trường để nghe các anh chị trao đổi về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ cũng như kinh nghiệm học tập ở Mỹ.

Lê Thanh Thủy và cô
Lê Thanh Thủy và cô Eleanore Yang.

Theo em đâu là thách thức lớn nhất trong quá trình nộp hồ sơ? Em có lời khuyên gì cho các bạn ứng viên nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ năm nay?

Em nghĩ một trong những thách thức của quá trình nộp hồ sơ chính là yếu tố tâm lí. Mỗi năm có rất nhiều học sinh ứng tuyển vào các trường đại học ở Mỹ, hầu hết đều có thành tích tốt nhưng không phải ai cũng được nhận. Việc bị một trường từ chối không có ý nghĩa đánh giá con người, càng không nên là yếu tố khiến các bạn bị mất tự tin. Điều quan trọng là tìm thấy những trường phù hợp với nguyện vọng, tính cách cũng như hoàn cảnh của mình. Để giữ được tinh thần trong quá trình tuyển sinh, các bạn nên trò chuyện với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, những người các bạn cảm thấy tin tưởng để nhận được những lời khuyên khách quan. Chúc các bạn một mùa tuyển sinh thành công!

Cảm ơn Thủy đã chia sẻ!