Trò dậy thì sớm, nhà trường theo không kịp

(Dân trí) - Học trò phổng phao sớm, nhiều em mới lớp 3, lớp 4 đã chính thức dậy thì. Trường học không chỉ “chạy” theo không kịp tốc độ phát triển thể chất mà còn đi sau sự phát triển tâm lý của các em.

Học trò “đến hẹn lại… khổ”

Trường học không có phòng để trẻ làm vệ sinh, thay rửa khi đến tháng; không có cơ sở bán trú mà phải tận dụng lớp học làm phòng ăn ngủ, sinh hoạt… gây ra rất nhiều bất tiện cho sinh hoạt của học trò. Nhất là khi các em bước vào độ tuổi dậy thì việc thiếu cơ sở của nhà trường kéo theo rất nhiều vấn đề.

Hàng tháng, cứ đến những ngày đặc biệt của cô con gái đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận 3, TPHCM là chị Đào Bích Thủy lại phải thu xếp đến đón cháu vào giữa buổi. Chị chở con về nhà hoặc vào một quán ăn nào đó có nhà vệ sinh sạch sẽ để thay rửa.

Các nữ sinh ở độ tuổi dậy thì trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân khi ở trường học (Ảnh minh họa)
Các nữ sinh ở độ tuổi dậy thì trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân khi ở trường học (Ảnh minh họa)

Chị Thủy kể, ở trường không có phòng để học sinh nữ rửa ráy khi đến chu kỳ, trong phòng vệ sinh lại không có vòi nước. Có lần con gái chị múc nước từ bồn rửa tay vào trong làm vệ sinh làm ướt hết cả đồng phục. Từ đó, đến tháng cháu “nhịn” thay rửa, mặc nguyên ngày chờ đến lúc về nhà cho đến khi chị phát hiện ra.

Học sinh dậy thì sớm, hiện nay nhiều trường tiểu học, THCS ở TPHCM phải chuẩn bị sẵn băng vệ sinh để hỗ trợ khi các em cần.

Tại trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 và Trường THCS Chánh Hưng, Q.8 còn có phòng đặc thù gọi là “Phòng kinh nguyệt” dành cho các nữ làm vệ sinh cá nhân. Phòng chỉ đơn giản với chiếc móc đồ, vòi nước, dung dịch vệ sinh nhưng hỗ trợ học sinh rất nhiều cho những ngày đặc biệt.

Tuy nhiên, không nhiều trường có phòng đặc thù như thế này. Việc sử dụng nhà vệ sinh để rửa ráy cực kỳ bất tiện nên nhiều em đành mặc kệ, dành phần về nhà xử lý hoặc thay rửa tạm bợ.

Một thực tế đáng ngại ở nhiều trường tiểu học hiện nay là do thiếu cơ sở bán trú nên các trường phải tận dụng lớp học làm chỗ ăn, chỗ ngủ cho học sinh. Đến nhiều trường học vào buổi trưa sẽ thấy nam nữ xếp bàn cùng ngủ chung. Có giáo viên còn "ngây thơ" đến độ xếp xen kẽ nam nữ để tránh việc các em nói chuyện riêng.

Chưa kể, việc thay đồng phục của học sinh còn diễn ra ở những nơi rất sơ hở cho dù nhiều bạn gái đã phổng phao đã phải mặc áo ngực, con trai đã có ria mép. Học sinh nhiều trường thay ở khu vực bồn rửa tay bên ngoài nhà vệ sinh, trong khi khu vực này lại chung cho cả nhà vệ sinh nam và nữ nên các em thay đồ ngay trước mặt nhau. Hoặc có lớp thì giăng tạm những tấm rèm mỏng trong lớp để các em thay quần áo.

Hiệu trưởng một trưởng tiểu học ở Gò Vấp cho hay, nhà trường rất lo lắng và khó xử khi học trò dậy thì sớm, nhất là việc các em rất tò mò về cơ thể bạn bè. Trường đã chia xếp bàn ngủ thành hai dãy nam nữ tách riêng nhưng buổi trưa giáo viên và bảo mẫu vẫn thường xuyên đi lại kiểm tra để tránh những điều đáng tiếc.

Nhà trường đi sau sự phát triển của học sinh

Trong những lần tư vấn cho đội ngũ giáo viên ở TPHCM về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, bác sĩ Đinh Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TPHCM) nhấn mạnh các em cần được chuẩn bị cho sự thay đổi của mình ngay từ giai đoạn tiền dậy thì. Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân ở giai đoạn này cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tránh viêm nhiễm, bệnh tật có thể để lại hậu quả lâu dài.

Các em cũng cần được cung cấp các kiến thức khoa học, đặc biệt là nguy cơ các bé gái có khả năng mang thai nếu xảy ra việc quan hệ tình dục để các em biết thiết lập cho mình những giới hạn an toàn.

Thiếu cơ sở vật chất, học sinh nhiều trường tiểu học phải xếp bàn làm chỗ ngủ
Thiếu cơ sở vật chất, học sinh nhiều trường tiểu học phải xếp bàn làm chỗ ngủ

Không chỉ về thể chất mà về mặt tâm lý, các em có rất nhiều biến chuyển mà người lớn cũng cần được chuẩn bị kiến thức, tinh thần.

Hiện tượng học trò tiểu học “yêu”, viết thư, hẹn hò… làm nhiều giáo viên và phụ huynh bối rối, khó xử. Phụ huynh, giáo viên vẫn xem trẻ là “con nít” hay áp suy nghĩ “nứt mắt đã yêu” rất dễ dẫn đến những can thiệp thô bạo.

Một chuyên gia tâm lý chia sẻ, các biện pháp kỷ luật mà người lớn quen dùng với trẻ nhỏ nhắc nhở trước lớp, tét đít, hù dọa… khi “áp” lên một học trò trong độ tuổi dậy thì có thể gây ức chế hoặc phẫn nộ, chống đối ở các em. Độ tuổi dậy thì các em thích thể hiện mình, thích khẳng định cái tôi và nhu cầu được người lớn thừa nhận rất cao. Nếu nhà trường, giáo viên không nắm bắt được để có phương pháp tiếp cận thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Thế nên, không chỉ học sinh mà chính giáo viên cũng cần nắm bắt về kiến thức giới tính để có phương pháp giáo dục hiệu quả khi tiếp cận với học trò. Tuy nhiên, hiện giáo dục giới tính trong nhà trường vẫn mang tính chiếu lệ và đang đi sau sự phát triển của học sinh.

Nhiều lãnh đạo, giáo viên còn chưa thấy được sự quan trọng của giáo dục giới tính đối với học trò. Trong khi, đó không chỉ là chuyện con trai, con gái, yêu đương nam nữ mà tác động trực tiếp việc hình thành nhân cách, lối sống của trẻ.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)