Hà Tĩnh:

Tròng trành đi học bằng đò ngang

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, để đi học, hàng chục học sinh tại xóm 2, xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn phải lắc lư trên những chuyến đò ngang. Câu chuyện xây cầu vẫn chỉ ở trên giấy hàng chục năm qua.

Xã Hương Thọ là 1 xã nghèo của huyện Vũ Quang, nằm bên con sông Ngàn Trươi. Giao thông đã trở nên thuận lợi cho người dân qua lại. Duy chỉ có xóm 2, như một bán đảo nhỏ bị chia tách bởi con sông Ngàn Trươi.

Đây là nơi cư trú của 76 hộ dân với 226 nhân khẩu. Ngoài ra, đây còn là khu vực đất canh tác của người dân xóm 3. Để qua lại thuận tiện, con đường duy nhất là đò ngang.

Con đường duy nhất để học sinh qua lại tại đây là đò ngang.
Con đường duy nhất để học sinh qua lại tại đây là đò ngang.

Gần 11h trưa, chúng tôi có mặt tại bến đò chợ Quáng (thuộc xóm 3, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Cả khúc sông rộng gần 50m chỉ độc mỗi con đò nhỏ. Con đò ấy là của ông Nguyễn Thanh Đức (70 tuổi), người đã chèo đò ở khúc sông này gần 20 năm. Một ngày, ông Đức chở hàng trăm chuyến đò đưa người đi sản xuất, trẻ em đi học, khách bộ hành qua lại.

Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ học sinh tại xóm 2 (xã Hương Thọ), phải qua đò để đi học.
Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ học sinh tại xóm 2 (xã Hương Thọ), phải qua đò để đi học.

Thời điểm này khúc sông khá vắng, trên đò chỉ lác đác vài lượt người dân qua sông. “Đợi tý nữa thì tôi chèo không kịp mô, học sinh về đông lắm, rồi người ta đi làm về. Cứ nhìn trên kia thì biết”, ông Đức vừa nói chỉ tay sang phía triền sông. Theo hướng chỉ tay, chúng tôi thấy la liệt xe đạp dựng trên bờ. Hằng ngày, các em học sinh thường đạp xe đến khúc sông rồi dựng xe lại đây để lên đò tới trường.

Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ học sinh tại xóm 2 (xã Hương Thọ), phải qua đò để đi học.
Mặc dù con cái phản đối nhưng ông Đức vẫn làm nghề chèo đò tại bến đò chờ Quánh gần 20 năm với trang bị hết sức thô sơ.

Đúng giờ tan tầm, từng đoàn học sinh ùa từ trên dốc xuống bến đò chợ Quánh. Khi đò vừa cập bến, các em tranh nhau lên trước, khiến cho con đò tròng trành chực lật.

Em nào cũng cố chen chân lên kịp đò nếu không muốn đợi chuyến sau. Chưa đầy 5 phút, con đò đã kín chỗ. Do đang mùa nước cạn, lại đông người trên đò nên 1 em học sinh phải cắm sào đẩy đò ra khỏi khúc cạn. Những công việc này cũng trở nên quá quen thuộc với các em.

Phương tiên đi học tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Phương tiên đi học tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Mặc dù đò chỉ được chở cho phép từ 8-10 người nhưng trên đò lúc này có đến hơn 20 người. Trong khi đó, những dụng cụ như phao cứu sinh, áo phao và phao nổi chỉ chưa đến 10 chiếc.

Ông Đức tặc lưỡi: “Tan tầm thế này còn đỡ, lo nhất là đầu giờ học, các cháu thường tranh nhau lên trước. Cũng không thể trách các cháu vì nếu chậm chân thì đi chuyến sau sẽ bị muộn học. Nhiều khi cũng phải thêm người đông hơn khi chở về”.

Hằng ngày, có hơn 30 học sinh từ mầm non đến cấp 2 vẫn qua lại thường xuyên trên con đò này. Không chỉ học sinh, không có cầu qua lại, người dân vẫn thường xuyên đi đò sang canh tác, làm ăn, buôn bán.

“Mỗi chuyến đò là 5.000 đồng/lượt đối với khách bộ hành, xe máy là 10.000/lượt và 250.000 đồng/năm đối với học sinh”, ông Đức cho biết.

Mỗi năm, một em đóng khoảng 250 ngàn tiền qua đò.
Mỗi năm, một em đóng khoảng 250 ngàn tiền qua đò.

Gửi xe để qua sông đi học.
Gửi xe để qua sông đi học.

Lấy xe sau buổi học.
Lấy xe sau buổi học.

Chị Cao Thị Hòa (xóm 3, xã Hương Thọ) cho hay: “Khổ lắm o ơi (cô ơi - PV), nhà tui có 2 sào đất màu bên ni. Nhiều khi đến mùa cứ nghĩ đến qua sông không muốn đi làm. Người còn có đò mà đi, chứ trâu bò chỉ có bơi qua sông. Mùa rét, mưa gió trâu bò có chịu đi cho mô. Có năm nước to quá, rau củ chín mà không thể đi thu hoạch được”.

Hiện nay, nếu không đi bằng đường sông thì người dân, học sinh muốn qua lại khu vực này phải ngược con đường Hồ Chí Minh qua nhiều xã lân cận gần 15 km vòng về trung tâm của xã.Trong khi quãng đường nối giữa xóm 2 và trung tâm xã Hương Thọ chỉ vừa đúng một khúc sông chưa đến 50m.

Để qua địa bàn xóm 2 canh tác, người dân cũng chri có thể đi bằng đò ngang.
Để qua địa bàn xóm 2 canh tác, người dân cũng chri có thể đi bằng đò ngang.

Về mùa lũ lụt, đò ngang bị cấm qua lại để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc hàng chục học sinh không thể đến trường.

Có một cây cầu treo là niềm mong mỏi của người dân tại đấy hàng chục năm qua. Thế nhưng theo ông Dương Quốc Hùng (cán bộ văn phòng xã Hương Thọ) cho biết có nhiều tờ trình của xã gửi lên các cơ quan chức năng, trong đó có có Bộ Giao thông Vận tải nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời cụ thể.

Vậy là cứ năm này qua năm khác, người dân vẫn mòn mỏi một cây cầu nhưng không biết bao giờ cây cầu mới được khởi công.

“Tui 70 tuổi rồi, làm chèo đò thế này cũng vì thương các cháu qua lại. Năm ngoái thấy có đoàn về khảo sát, người dân ai cũng mừng nhưng chờ mãi cũng không thấy gì”, ông Đức lắc đầu.

 Phượng Vũ

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!