“Trực” cùng sinh viên y

Để trở thành bác sĩ trong tương lai, các sinh viên y khoa phải trải qua rất nhiều… nỗi khổ và sợ hãi mà ít ngành khác có. Cùng “mục sở thị” một đêm trực của họ để hiểu hơn về nghề và người.

Ngày Chủ nhật: Dán mắt vào máu

Sáng sớm, Bệnh viện Việt - Đức đã đông nghịt người. Có người đến từ đêm hôm trước, có người đã chờ sẵn từ tờ mờ sáng. Tiếng rên la của bệnh nhân như tiếng còi hối thúc các bác sĩ.

Hôm nay là ngày trực của nhóm SV Y4, Trường ĐH Y Hà Nội. Sau khi điểm danh, nhóm (8 người) tự chia thành hai ca: nhóm 1 từ 8h30 đến 15h30, tối từ 20h đến sáng; nhóm 2 từ 15h30 đến 7h sáng hôm sau.

“Ban ngày thay phiên nhau, còn buổi tối tất cả đều phải thức trực”, nhóm trưởng Hạnh giải thích.

Phòng sơ cứu thương, bệnh nhân T, 18 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng khắp cánh tay và chân loang lổ vết chém, trong đó có 6 nhát hở hàm ếch, đùn cả thịt thăn, máu me đầy người. Các "bác sĩ tương lai" bắt đầu vào cuộc.

Dũng rửa nước muối sát trùng vết thương, Nguyễn Thị Lựu và Tuấn Linh băng cầm máu, dùng hai thanh nẹp lại để khỏi thịt đùn, xương lệch. Xong đâu đó, bệnh nhân được đưa đi làm thủ tục xét nghiệm, nhập viện.

Phía ngoài hành lang, trong phòng chờ, khoảng hai chục bệnh nhân nằm co quắp trên xe đẩy, rên la. Bệnh nhân Chinh 23 tuổi, quê Lạng Sơn, bị tai nạn xe máy do uống rượu khi đi đám cưới. Hai mắt bầm tím, mí mắt trương lên, đầu bị chém thành một đường dài từ trán ra sau gáy, sâu hoắm. Cả hai cánh tay bê bết máu. Mùi máu tươi, mùi thum thủm của vết thương để quá lâu không được sơ cứu, quyện vào nhau, nồng nặc.

Cạnh đó, cô bé Trần Thị Huyền 18 tuổi, quê Phú Thọ, bị tai nạn xe máy vỡ hai bánh chè, dập tiểu cầu não. Trong lúc Dũng và Lựu đang băng bó vết thương, bệnh nhân nôn ra hai chậu máu tươi, tanh nồng. Hai "bác sĩ" vẫn bình thản làm việc.

Bệnh nhân đến cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức đều trong tình trạng “một sống mười chết”, phần lớn là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động...

Đội quân 4 người làm không kịp thở. Gần như mỗi người phụ trách hai bệnh nhân. Công việc đầu tiên của "bác sĩ" SV đối với bệnh nhân là rửa nước muối sát trùng vết thương, băng cầm máu, nẹp (nếu gãy), đo huyết áp, nhịp tim mạch, sau đó báo cáo bác sĩ bệnh viện.

Sau khi làm thủ tục đưa vào phòng bệnh nhân, "bác sĩ" SV tiếp tục theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, tri giác 10 phút/ lần, sau đó 30 phút/ lần.

"Đây là nguyên tắc sống còn đối với bác sĩ. Nếu bỏ qua giai đoạn này, bệnh nhân dễ chết như chơi. Bệnh nhân chết đồng nghĩa mình chết", Dũng cho hay.

Lựu thêm vào: "Đã từng có ca tử vong trên đường vào phòng siêu âm do bác sĩ vội quá nên quên đo huyết áp. Nhưng hy hữu lắm mới có một tai nạn nghề nghiệp”.

Đêm 5 canh: 1 canh ngủ, 4 canh thức

Buổi tối, công việc bao giờ cũng vất vả hơn bởi số lượng bệnh nhân nhiều và bác sĩ bệnh viện hết giờ hành chính. Ngoài công việc đơn thuần hàng ngày, các bác sĩ SV còn phải đi phụ mổ.

"Mình chỉ may, khâu vết thương, đưa dụng cụ cho các bác sĩ, công việc cũng nhẹ", Long cho biết. Một ca mổ phải mất ít nhất 3 tiếng đồng hồ, có ca lên đến 10-12 tiếng.

Một ngày bệnh viện Việt - Đức mổ trung bình 20-25 ca, một đêm có khoảng 10 ca, các "bác sĩ" SV tha hồ thức phụ mổ, tha hồ ngửi máu.

11h30. Bác sĩ Thuỷ phân công cho các thành viên trong nhóm trực theo dõi huyết áp, tim mạch, diễn biến của bệnh nhân, cứ 30 phút/lần kiểm tra. "Chia nhau ra mà ngủ, mỗi người ngủ hai tiếng, tối còn phải đi phụ mổ", BS Thuỷ nói.

0 giờ. Đêm đông Hà Nội lạnh như cắt. Trong căn phòng khoảng 15m2, giường ngủ ọp ẹp kê sát vào nhau. Chẳng quan tâm đến điều đó, "Mệt, lên đến nơi là đổ phịch xuống giường, ngủ như chết", Long tâm sự.

1h. Phượng, Lựu… vẫn miệt mài bên hàng tá hồ sơ bệnh án. "Đang ngồi thế này mà nghe chạy thình thịch bên ngoài là lo rồi, lại có ca cấp cứu", Nghĩa cho hay.

"Sợ nhất là bóp bóng, bóp nặng, có khi đang bóp giữa chừng bệnh nhân "hy sinh" như chơi (bóp bóng có nghĩa là khi bệnh nhân sắp chết, các bác sĩ bóp khí vào khoảng 15 phút để kéo dài" sự sống" cho bệnh nhân. Đây là công việc cuối cùng của lương tâm một người bác sĩ), các bạn giải thích.

Nhưng trực ở khoa ngoại thế này còn sướng, ở khoa nội mới khổ, một mình một phòng với các bệnh nhân. Ở viện lâu ngày họ đâm ra khó tính, hầu như suốt đêm chẳng ngủ tí nào, mà cũng không ngủ được", Lựu tiếp lời.

Đang ngồi trò chuyện, Tuấn Linh hổn hển chạy vào thông báo: "Bệnh nhân đã "hy sinh" trong khi đang bóp bóng".

Hai bác sĩ vào điều hai người đi phụ mổ, Tuấn Linh, và Tuấn đứng dậy đi theo, ai cũng phải làm, không đi ca trước thì ca sau.

3h15. Sau hai tiếng chợp mắt, Dũng đuợc phân công đi theo bệnh nhân 7 tuổi bị tai nạn xe máy đến phòng siêu âm, phòng CT (chụp cắt lớp), chụp X-quang để bóp bóng nếu... lỡ may bệnh nhân "bất thình lình" ngừng thở. Đi theo Dũng đến các phòng bệnh, bất cứ phòng nào, ngoài hành lang cũng có đến 4-5 người chờ khám. Ai cũng trong tình trạng "sống dở, chết dở".

7h. Kết thúc một ngày 24 tiếng trực, các "bác sĩ" SV lên lớp học tại bệnh viện, chiều về lên giảng đường.

Công việc của họ đều đặn diễn ra hàng ngày, hàng tuần. "Nghề nào rồi cũng quen. Bọn mình thức thế này nhưng mai lại học cả ngày, rồi chuẩn bị thi, mệt, nhưng đâu lại vào đấy", các bác sĩ tương lai tâm sự.

Ngoài kia, trời bắt đầu hửng sáng, tiếng còi cấp cứu vang lên, các bác sĩ lại bắt đầu vào cuộc...

Theo Phan Lê
VietnamNet