Trung Quốc: Cô giáo dành cả đời dạy trẻ câm điếc

(Dân trí) - Các anh trai và chị gái của cô Yuan Jinghua (ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) đều kết hôn trước khi 20 tuổi. Tuy nhiên, chỉ riêng cô Yuan là đến tận năm 25 tuổi mới lập gia đình vì nhiều thanh niên “phát hoảng” trước “gia tài” đặc biệt của cô: 45 trẻ câm điếc.

Cô Yuan Jinghua nói: “Nếu chàng trai nào muốn lấy tôi, anh ấy phải chấp nhận “gia tài” này”. Những đứa trẻ này là những học sinh câm điếc mà cô dạy nói.

Năm 1992, khi cô Yuan Jinghua 16 tuổi và chuẩn bị thi đại học thì bố cô đột nhiên ốm nặng phải nhập viện. Cô ở viện suốt ngày đêm trông bố. Và cô đã trượt kỳ thi đại học. Sau đó, có một lần cô Yuan trông thấy hai bé gái câm điếc khóc lóc khi bị đuổi ra khỏi một trường tiểu học ở địa phương vì vào trường và ngó vào lớp học.

Cô Yuan cố gắng dạy cho hai bé nói bằng cách đề nghị các em cảm nhận rằng dây thanh quản của cô rung lên và cố gắng dạy các em nói từ “bà” và “ông” sau hai tháng.

Cô Yuan nhớ lại: “Khi đó tôi quá vui mừng. Tôi bảo hai em nói đi nói lại trước rất nhiều dân làng”.

Chẳng mấy chốc nhiều bậc cha mẹ có con bị câm điếc đã đưa con đến gặp cô Yuan. Cô Yuan biến ngôi nhà 7 phòng của mình thành một ngôi trường. Bàn học được sử dụng làm bàn ăn vào bữa ăn và làm giường khi ngủ. Cô thu học phí mỗi đứa trẻ chỉ 60 nhân dân tệ/một năm và mỗi tháng thu 20 kg lúa mì làm tiền phí thức ăn.

Đến năm 1997, số lượng trẻ câm điếc mà cô Yuan nhận nuôi lên tới 45 em và cô phải dựng một túp lều mái tranh làm chỗ ăn ở cho các em.

Cô giáo Yuan Jinghua đang cho học sinh ăn.
Cô giáo Yuan Jinghua đang cho học sinh ăn.

Cô Yuan, hiện 41 tuổi, kể: “Ngày càng có nhiều trẻ câm điếc tìm đến và một số em không chịu đi sau khi tôi nói rằng không còn chỗ nữa. Các em cứ bám lấy cửa lớp trong khi bố mẹ các em cố gắng kéo con đi”.

Cô Yuan cũng nuôi lợn để có thêm thu nhập trang trải, nhưng cũng chẳng ăn thua gì.

Năm 1997, cô Yuan đã làm một việc mà người khác phải gọi cô là “con điên”. Cô chuẩn bị những tờ thông báo có dòng chữ: “Dù anh già trẻ ra sao hay hình thức thế nào, tôi sẽ lấy anh miễn là anh có thể xây trường cho đám trẻ.” Và cô dán những tờ “quảng cáo” này ở những ngôi làng gần đó.

Hành động “điên khùng” của cô Yuan không thu hút được sự chú ý của cánh đàn ông, nhưng đã khiến chính quyền địa phương để mắt. Chính quyền hạt Xiajin (tỉnh Sơn Đông) đã đầu tư hơn 100.000 nhân dân tệ để giúp cô Yuan xây một ngôi trường năm 1998. Cũng trong năm đó, cô được bầu là phó Hội đồng Nhân dân thành phố Đức Châu.

Cũng nhờ trái tim nhân hậu của mình, cô đã kết hôn năm 2000. Chồng cô là một giáo viên, chính người bà của anh đã thuyết phục anh lấy cô Yuan. Cô kể lại: “Bà của chồng tôi nói rằng tôi phải là một người phụ nữ chung thủy bởi vì tôi chăm đám trẻ câm điếc rất tốt”.

Tuy nhiên, ngôi trường vẫn không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu học của các trẻ câm điếc vì các em ở các tỉnh khác tiếp tục tìm đến. Cô Yuan quyết định rời ngôi trường đến Xiajin năm 2002.

Cô kể: “Chính quyền hạt Xiajin cũng hỗ trợ một chút, nhưng tôi vẫn phải bỏ ra khoảng 1 triệu NDT. Tôi đi vay mượn của họ hàng, và nhiều người đã cố tránh mặt tôi cũng bởi lẽ đó”.

Năm 2012, cô Yuan huy động được hơn 60 triệu NDT và xây một ngôi trường mới trên diện tích 5 hécta. Ngôi trường vẫn còn nợ 10 triệu NDT, mặc dù đã được xã hội và chính quyền hỗ trợ rất nhiều. Hiện ngôi trường có khoảng 800 học sinh.

Cô Yuan cho biết có hơn 600 học sinh đã tốt trường từ trường này hoặc được chuyển sang các trường bình thường khác. Một số em còn học lên và tốt nghiệp đại học.

Từ khi cô Yuan được bầu vào Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc năm 2003, cô đã trình 205 đề xuất hoặc kiến nghị lên Đại hội, khoảng 2/3 số này liên quan đến trẻ khuyết tật. Cô Yuan cho biết tất cả các đề xuất đều được xem xét kỹ lưỡng.

Xuân Vũ

Theo China Daily