Trung Quốc: Học sinh “đánh bại” robot trong bài thi Toán đại học

(Dân trí) - Các học sinh trung học ở thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) vừa đánh bại một thiết bị trí tuệ nhân tạo được thiết kế để thi đỗ kỳ thi tuyển sinh đại học.

Theo đó, 43 học sinh các lớp nghệ thuật tự do năm cuối Trường trung học Chengdu Shishitianfu đã tham gia cuộc thi kéo dài 2 tiếng để làm bài thi Toán theo tiêu chuẩn kỳ thi tuyển sinh đại học. “Đối thủ” của các em là robot, sản phẩm nghiên cứu trong 4 năm của công ty công nghệ Zhun Xing Yun Xue.

Kết quả là, tính trung bình, học sinh được 106 điểm, trội hơn hẳn chương trình máy tính vì chỉ được 93 điểm. Đây chỉ là cuộc thi đầu tiên trong 4 năm thử nghiệm. Tuy nhiên, mức điểm robot đạt được cũng cao hơn mức trung bình của các học sinh nhóm ngành nghệ thuật tự do tham gia thi đại học ở Tứ Xuyên năm ngoái.

Một học sinh Trung Quốc đang ôn thi đại học. (Ảnh: IC)
Một học sinh Trung Quốc đang ôn thi đại học. (Ảnh: IC)

Đây là một dự án của Bộ Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc. Những nhà nghiên cứu đã phát triển robot này cho biết thất bại của robot trước học sinh là do sự hiểu sai về khái niệm trong việc các bài toán ứng dụng.

Lin Hui, CEO của công ty phát triển robot này cho biết, chương trình có thể hiểu được hơn 7.000 khái niệm từ bậc tiểu học đến trung học. Với lượng kiến thức nền lớn, robot có thể hoàn thành 10 bài kiểm tra Toán một ngày.

Ông Lin cho biết công ty sẽ nỗ lực hơn nữa để cải thiện khả năng của chương trình với sự tập trung vào toán ứng dụng.

Công ty dự định sẽ cho robt tham dự bài thi toán trong kỳ tuyển sinh đại học cùng với hàng triệu học sinh Trung Quốc. Cũng giống như các thí sinh, robot sẽ được yêu cầu hoàn thành bài thi Toán với tổng điểm 150 trong 2 tiếng đồng hồ trong một phòng thi mà không được truy cập Internet.

Theo Chinadaily, học sinh Trung Quốc thường được chia làm 2 nhóm khoa học và nghệ thuật tự do ở trường trung học, điều này cho phép các em duy trì sức cạnh tranh trong kỳ thi đại học bằng cách chọn các môn ưa thích. Bài thi toán của học sinh nhóm ngành nghệ thuật tự do thường dễ hơn nhóm ngành khoa học.

Xuân Vũ

Theo Chinadaily