Trung tâm Học tập cộng đồng xã Kỳ Tiến: Cần gì học nấy

(Dân trí) - “Cần gì học nấy” là phương châm hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh). Từ mục tiêu đó, bà con nhân dân địa phương đã không ngừng được cung cấp, bổ sung các kiến thức cần thiết để áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống

Được thành lập năm 2003, từ đó đến nay, Trung tâm HTCĐ xã Kỳ Tiến đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển. Đến nay, Trung tâm đã có đầy đủ các tổ chuyên môn, bao gồm: Tổ chính trị, thời sự pháp luật; tổ Khoa học - Kỹ thuật; tổ văn hóa - Thể thao, sức khỏe, môi trường; tổ bổ túc văn hóa, dạy nghề, tin học, ngoại ngữ. 
 
Về cơ sở vật chất, Trung tâm được bàn giao một hội trường riêng, rộng 150m2 với 100 ghế ngồi, một tủ sách báo với gần 500 đầu sách, một phòng trực, một bộ loa máy, một tivi, một đầu chiếu, có máy vi tính nhằm phục vụ cho họat động của Trung tâm và 8 hội trường của 8 thôn… Đặc biệt, Trung tâm đã phát triển được mạng lưới rộng rãi, đó là các câu lạc bộ, các tổ học tập công đồng. Mỗi thôn, xóm đều đã thành lập từ 3 đến 4 tổ học tập cộng đồng; mỗi tổ có từ 15 đến 20 hộ. Tổ học tập cộng đồng đồng thời cũng là tổ khuyến học, tổ liên gia tự quản, tổ thực hành dân chủ cơ sở, tổ xây dựng gia đình văn hóa, tổ bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ cơ bản của tổ là nắm danh sách con em trong độ tuổi đi học, theo dõi, giúp đỡ việc học của con em trong tổ từ Mầm non đến Trung học phổ thông, giám sát, đánh giá kết quả thường xuyên, kết quả rèn luyện, học tập của con em và theo dõi việc học tập của các thành viên trong tổ; tổ chức các hình thức học tập và thực hành tại nhà, tại tổ; động viên theo dõi việc tham gia các chương trình học tập ở câu lạc bộ, các lớp tập huấn của Trung tâm. Tổ có sổ ghi chép và theo dõi việc học tập của các thành viên trong tổ và xây dựng quỹ học tập do tập thể tổ viên quy định.
 
Với phương châm cần gì học nấy, học đi đôi với làm, trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu của nhân dân, Trung tâm xây dựng chương trình giáo dục đào tạo bồi dưỡng, đồng thời liên hệ với phòng nông nghiệp huyện, tỉnh, Trung tâm khuyến nông, khuyến công tỉnh, một số trường Đại học Nông lâm (theo nhu cầu thực tiễn)… về tư vấn và giảng dạy. Ngoài ra, các ban viên còn thường xuyên tham khảo sách báo, các thông tin từ thông tin đại chúng và thực tiễn địa phương hình thành các chuyên đề thực tế để tổ chức giảng dạy cho bà con. Cách giảng dạy của Trung tâm cũng rất đơn giản, theo tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và vận dụng tốt.
 
Đặc biệt, Trung tâm chú trọng giới thiệu các mô hình làm kinh tế giỏi trong tỉnh và toàn quốc. Các lớp tập huấn được triển khai theo từng giai đoạn, đáp ứng với nhu cầu học tập của nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Sau  các buổi tập huấn, Trung tâm tổ chức đánh giá kết quả của học viên và thông báo cho các học viên, qua đó nhắc nhở những tồn tại yếu kém và tổ chức thực hành theo từng tổ, nhóm. Để thực hành đạt hiệu quả cao, Trung tâm cử những hộ có nhu cầu và điều kiện làm mẫu thí điểm sau đó triển khai đại trà theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đối với các lớp học vi tính thì liên hệ với các trường phổ thông Trung học để học viên có điều kiện thực hành. Đến nay, đã có trên 1/4 số dân trong độ tuổi lao động trong toàn xã biết truy cập Internet.

Nhờ thường xuyên được cung cấp, bổ sung các kiến thức khoa học kỹ thuật nên nhân dân xã Kỳ Tiến đã không ngừng áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất và đời sống. Từ một xã thuần nông, chủ yếu sống nhờ vào làm lúa, nhân dân xã Kỳ Tiến đã bắt đầu biết xây dựng chuồng trại gắn với làm bếp Biogas để có chất đốt và bảo vệ môi trường; biết thả lợn giống, nuôi lợn siêu nạc; biết chăn nuôi cùng với phòng trừ dịch bệnh; biết sản xuất mây tre đan xuất khẩu; biết truy cập internet để tham khảo các kiến thức phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi; biết  sản xuất theo hướng hàng hóa… Năm 2005, sau 3 năm thành lập, Trung tâm HTCĐ xã Kỳ tiến đã trở thành mô hình điển hình được nhân rộng trong toàn huyện.

Từ đó đến nay, Trung tâm tiếp tục phát huy vai trò giáo dục cộng đồng lên một tầm cao mới. Trung tâm đã tổ chức tập huấn và xây dựng các câu lạc bộ dựa trên đặc điểm nghề nghiệp có cùng mối quan tâm như: CLB làm vườn, CLB sản xuất lúa giống, CLB nuôi lợn hướng nạc… Nhiệm vụ của CLB là giúp nhau giải quyết khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, hợp tác với nhau về vốn, về khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, với yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới trong những năm gần đây, Trung tâm đã tăng cường mở các lớp tập huấn sát với các yêu cầu về  các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều chuyên đề tập huấn liên tục được Trung tâm tổ chức để bà con học tập như: Cánh đồng cao sản, cánh đồng mẫu, HTX sản xuất lúa giống, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch mô hình theo một quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, xây dựng đường làng ngõ xóm bằng bê tông hóa, mương cứng nội đồng;  tập huấn về chăm sóc sức khỏe người già …

Trung tâm còn mở các lớp tập huấn, tư vấn xuất khẩu lao động, tạo điều kiện giúp  nhân dân làm hồ sơ vay vốn, học ngoại ngữ, giới thiệu việc làm... Đến nay, toàn xã có hàng ngàn con em đi xuất khẩu lao động…

Ông An, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Kỳ Tiến cho biết: Kỳ Tiến là một xã thuần nông; chiếm trên 95% dân số làm nghề nông nghiệp; đời sống người nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng bộ quyết tâm lãnh đạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu  vật nuôi cây trồng, ưu tiên phát triển ngành nghề, dịch vụ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nhằm tăng năng suất cây lúa, bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi các vùng cao không có nước tưới sang trồng màu và cây hàng hóa có giá trị cao, đưa chăn nuôi trở thành một ngành chính, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đồng thời phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân những lúc nông nhàn. Để giải quyết vấn đề này, yêu cầu trước tiên là phải nâng cao dân trí. Thời gian qua, Trung tâm HTCĐ xã đã không ngừng nỗ lực vì mục tiêu này và đã có những đóng góp quan trọng.
 
Chính từ phương châm “Cần gì học nấy” và “học đi đôi với hành”…, Trung tâm đã giúp bà con có được các kiến thức khoa học kỹ thuật phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Điều này được thể hiện rõ trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của xã hiện nay. Các hộ giàu tăng lên rõ rệt; 1/3 số hộ trong toàn xã đã có nhà kiên cố, có đầy đủ tiện nghi sinh họat, từ ô tô đến các tiện nghi đắt tiền; toàn xã có 60 hộ chăn nuôi bò thịt tập trung; 75 mô hình nuôi bò nhốt; nhiều trang trại với diện tích hàng chục ha với quy mô trên 1.000 con lợn thịt. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 còn 21,2% nhưng đến cuối 2014 giảm còn 9,8. Toàn xã có 2 Phó Giáo sư, 5 Tiến sỹ, hàng chục Thạc sỹ và hàng trăm Đại học. Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, được Thủ tướng Chính phủ tặng huân chương lao động hạng ba; Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1, đang xây dựng chuẩn quốc gia giai đoạn 2; Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia gia đoạn 1; 90% hộ gia đình trong toàn xã đạt tiêu chí gia đình văn hóa, 80% hộ đạt tiêu chí gia đình hiếu học. Đặc biệt, xã đã thực hiện thành công việc chuyển đổi hai vụ lúa chiêm và mùa bởi lúa dài ngày sang vụ đông -  xuân, hè - thu bằng lúa ngắn ngày với năng suất cao, tránh được mùa bão lũ ở miền trung và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Đây chính là khâu đột phá nhất, đáp ứng được yêu cầu của Đề án xây dựng nông thôn mới hiện nay.
 
Thục Chi