Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu

(Dân trí) - Chỉ còn 1 ngày trước khi các sĩ tử bước vào kì thi THPT Quốc gia 2018, sáng nay 23/6, nhiều thí sinh và phụ huynh đã đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để thắp hương cầu may mắn đỗ đạt.

Từ lâu đã trở thành thông lệ, trước mỗi kì thi vượt cấp quan trọng, Văn Miếu Quốc Tử Giám lại tấp nập chào đón các sĩ tử đến với ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam cầu may mắn. Và năm nay cũng không ngoại lệ, trung bình mỗi ngày có tới 1.000 – 2.000 thí sinh, phụ huynh tới mua vé để vào tham quan và thắp hương lễ bái, chị Hương nhân viên bán vé chia sẻ.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 1
Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 2

Bàn thờ đức Khổng Tử trong chính điện Đại Thành là nơi thu hút đông đảo nhất các thí sinh đến khấn vái, tỏ lòng thành kính, gửi gắm ước nguyện đăng khoa, bạn Mai Linh, (trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội) đang chắp tay trước ban thờ với mong muốn đạt được điểm cao, đỗ được nguyện vọng 1 vào trường đại học Kinh tế Quốc dân trong kì thi sắp tới.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 3

Em Lưu Quang Đạt, trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội rất hồi hộp trước khi bước vào kì thi quyết định bước ngoặt cũng như ước mơ của mình. Em mong làm bài thật suôn sẻ, đỗ vào trường đại học mình lựa chọn. Ngoài cách chạm tay vào đầu rùa, em cũng dùng ngón tay viết tên, số báo danh và nguyện vọng lên bảng “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” lấy may mắn.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 4

Bên cạnh đó cũng không ít phụ huynh tới để dâng lễ vàng hương, trà quả để cầu cho con mình vượt vũ môn được tốt đẹp.

Chị Kim Anh, (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mong cho được vững tâm về mặt tâm linh; xin một chút lộc của các “vị hiền triết” phù hộ cho con gái được thuận buồm xuôi gió những ngày thi sắp tới. Đây cũng là dịp để tôi đưa con đi tham quan, cho cháu bớt căng thẳng và được nghỉ ngơi thư giãn trước kì thi lớn của cuộc đời”.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 5

Được biết, nhiều năm gần đây, Ban Quản lí Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám đã xây dựng hàng rào bao quanh khu vực tượng rùa đá cõng bia Tiến sĩ, nhằm không cho du khách tham quan sờ đầu rùa đá cầu may mắn như trước. Thay vào đó, các sĩ tử sẽ được thoải mái sờ đầu rùa đồng cõng hạc đặt ở ngoài chính điện.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 6

Nhiều phụ huynh chuẩn bị lễ thắp hương đầy đủ hoa quả, rượu trà cầu mong cho con được như ý nguyện trước kì thi.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 7

Các phụ huynh và sĩ tử cẩn thận ghi lại số báo danh, phòng thi trên giấy hoặc tiền để cầu xin được chính xác hơn.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 8

Theo ghi nhận của PV, dù đã 12h trưa, nhưng nhiều sĩ tử không quản ngại trời nắng gắt, vẫn thành tâm đứng cầu nguyện mong nhận được sự may mắn của các bậc hiền nhân.


Xin chữ” ông đồ mong muốn được nhận may mắn

"Xin chữ” ông đồ mong muốn được nhận may mắn

Theo cô Hồng làm việc tại Văn Miếu, trước mỗi kì thi, các sĩ tử đến “xin chữ” đông hơn ngày thường; nhiều khi cụ đồ viết không kịp nghỉ. Các sĩ tử thường xin chữ Đăng Khoa, Đỗ Đạt, Trang Nguyên, Hiếu Học… tùy vào tâm ý của mỗi người với mong muốn sự nghiệp học được mở rộng.

Trước “giờ G”: Nườm nượp sĩ tử đến cầu may tại Văn Miếu - 10

Không chỉ các thí sinh ở Hà Nội đến cầu may, cũng rất nhiều nhóm thí sinh những tỉnh lân cận rủ nhau đến thắp hương và tham quan vui chơi trước ngày thi. Nhóm bạn Thu Vân, trường THPT Ngô Gia Tự (Bắc Ninh), chúng em có mặt xếp hàng mua vé vào Văn Miếu từ sớm để cùng nhau nói lên ước nguyện và quyết tâm đỗ đại học năm nay.

Ngày mai, kì thi THPT Quốc gia 2018 sẽ chính thức khởi động, dự kiến cả nước có khoảng hơn 925.000 thí sinh tập trung phổ biến quy chế để chuẩn bị cho ngày thi đầu tiên được đúng quy định.

Hà Cường