Cách mạng công nghiệp 4.0:

Trường đại học “đau đầu” vì bị… cướp nhân tài

(Dân trí) - Theo PGS. Lê Bảo Long (Viện Khoa học Quốc gia - ĐH Quebec, Canada), các trường đại học dường như “lép vế” trong cuộc săn và giữ nhân tài. Họ đã, đang đứng trước nguy cơ mất hàng loạt nhà khoa học hàng đầu của mình vào tay những tập đoàn công nghệ sừng sỏ nhất thế giới.

Những ai quan tâm đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đều biết đây là cuộc cách mạng giúp tự động và thông minh hóa trên diện rộng các cơ sở hạ tầng cứng (tự động hóa các dây chuyền sản xuất dùng robot, giao thông thông minh với xe hơi tự lái,…) và thay đổi cơ bản cách thức con người tiếp cận dịch vụ hay tương tác với thế giới thực (ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu vào y tế, thương mại trực tuyến,…).

Từ đây có thể cho rằng những doanh nhân công nghệ thiên tài dẫn dắt các tập đoàn công nghệ lớn như Tesla, Google, Uber, Facebook… sẽ là lực lượng chính làm CMCN 4.0 vì những doanh nhân như Elon Musk (CEO của Tesla và SpaceX) luôn tiên phong trong việc tự động hóa các dây chuyền lắp ráp xe hơi (tiến tới hoàn toàn tự động bằng robot) hay dẫn đầu trong việc phát triển xe hơi tự lái. Câu trả này không sai nhưng chưa đủ.

Không thể phủ nhận các CEO thiên tài như Musk, Mark Zuckerberg (CEO Facebook),… ngoài việc có tầm nhìn xuất sắc và đầy tham vọng, họ rất tài giỏi trong việc lên kế hoạch, tổ chức, huy động người và vốn (từ các nhà các nhà đầu tư) để biến các kế hoạch “điên rồ” thành hiện thực. Việc phát triển thành công tên lửa có thể tái sử dụng nổi danh toàn cầu của SpaceX là một thí dụ hay.

Tuy nhiên, câu chuyện CMCN 4.0 không thể thành công chỉ bằng ý chí và tầm nhìn vì nó liên quan nhiều công nghệ rất khó và hiện đại như trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, kết nối viễn thông và truyền thông không dây (như các công nghệ 4G/5G, IoT…).

Những anh chàng như Musk hay Zuckerberg không phải là “chuyên gia” phát triển các công nghệ này. Thực ra Zuckerberg bỏ học tại Harvard trong khi Musk bỏ học tiến sĩ chỉ sau vài ngày đến Stanford. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi biết các tập đoàn công nghệ đã và đang “săn lùng” và cạnh tranh khốc liệt để “chiếm giữ” các chuyên gia hàng đầu trong các ngành khoa học then chốt như trí tuệ nhân tạo từ các đại học (ĐH) và tập đoàn khác.

Những chuyên gia này sẽ là những “bộ não” hay kiến trúc sư trưởng cho các chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) lớn và tham vọng liên quan đến CMCN 4.0.

Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới ráo riết săn lùng nhân tài từ các trường ĐH. (Ảnh minh họa: Messe München International)
Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới ráo riết săn lùng nhân tài từ các trường ĐH. (Ảnh minh họa: Messe München International)

Ai làm Cách mạng công nghiệp 4.0?

Câu chuyện ĐH Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ đã mất đến 50 chuyên gia hàng đầu từ trung tâm nghiên cứu robot (NREC) về tay Uber là một câu chuyện đầy sống động (những nhà khoa học này giúp Uber phát triển công nghệ xe hơi tự lái).

Tương tự hai nhà khoa học người Canada hàng đầu thế giới trong công nghệ học sâu (deep learning, một ngành hẹp nhưng quan trọng bật nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo) là Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton đang bị “săn lùng” ráo riết bởi các tập đoàn công nghệ Mỹ.

Khi không thể “mua” được Bengio (Bengio là giáo sư của ĐH Montreal tại thành phố Montreal), Google đầu tư ngay một phòng thí nghiệm nghiên cứu trị giá vài triệu đô tại Montreal để tiếp cận các kết quả nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu của nhà khoa học này hay Microsoft nhanh tay mua tập đoàn Maluuba mà Bengio là kiến trúc sư trưởng.

Canada đã sớm nhận ra “mối nguy” của việc mất các nhà khoa học hàng đầu về tay các tập đoàn nước ngoài, sau khi ĐH British Columbia mất đến ít nhất 2 giáo sư hàng đầu trong ngành trí tuệ nhân tạo về tay Google, và họ đã bắt đầu hành động.

Chính quyền của quốc gia nay gần đây cấp các khoản tài trợ cực lớn để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu tại 2 thành phố Montreal và Toronto (mỗi nơi hơn 100 triệu đô la) với ít nhất hai mục tiêu lớn: xây dựng các doanh nghiệp start up trong ngành trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của hai nhà khoa học hàng đầu (Bengio và Hinton) và giúp các ĐH tại hai thành phố này đào tạo thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư trẻ liên quan CMCN 4.0.

Các câu chuyện trên gợi ý, ít nhất 3 lực lượng chính sẽ làm CMCN 4.0: các doanh nhân công nghệ (entrepreneurs) tài năng; các nhà khoa học hàng đầu từ các tập đoàn công nghệ và ĐH; lực lượng kỹ sư công nghệ giỏi và được đào tạo bài bản.

Xây dựng thành công các lực lượng trên cho CMCN 4.0 đòi hỏi một hệ sinh thái tốt và các chính sách thông minh và hiệu quả từ chính quyền. Trường hợp Canada mang đến một ví dụ hay và sống động.

PGS. Lê Bảo Long

(Viện Khoa học quốc gia - ĐH Quebec, Canada)