Trường ĐH xuất sắc có thể thu học phí đến 5.000 USD/năm

(Dân trí) -Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành về cơ chế tài chính đối với hai trường ĐH xuất sắc là Việt-Đức (VGU) và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có thể xem xét cho 2 đại học thu học phí đến 5.000 USD/năm.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc, nghe các ý kiến từ Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ về cơ chế tài chính đối với hai trường Đại học xuất sắc là Việt-Đức (VGU) và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý giao Bộ GD-ĐT có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép 2 trường làm đầu mối trực tiếp, chịu trách nhiệm về các hoạt động khoa học công nghệ với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Với sự đầu tư bài bản của Chính phủ Việt Nam-Đức, Việt Nam-Pháp, với nhiều mã ngành đào tạo hấp dẫn, đội ngũ giảng viên nước ngoài xuất sắc, có thể xem xét cho 2 đại học thu học phí đến 5.000 USD/năm, như vậy nhà trường có thể chủ động về tài chính cũng như thu hút sinh viên (SV)”.

Được biết, Trường ĐH Việt Đức được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Đức (trực tiếp là chính quyền bang Hessen). Tổng nguồn vốn đầu tư là 3.720 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay nước ngoài là 3.345 tỷ đồng và 375 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước, thực hiện trong giai đoạn từ 2011 - 2017.

Trường đã đi vào hoạt động và khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9/2008 với 25 SV hệ ĐH. Đến nay, trường đã tuyển sinh được 6 khóa với tổng quy mô SV, học viên là 375 người (trong đó có 206 SV ĐH, 169 học viên cao học và nghiên cứu sinh) ở 3 ngành ĐH, 6 ngành cao học và 1 ngành tiến sĩ. Công tác đào tạo và giảng dạy đang được đảm nhiệm chủ yếu bởi đội ngũ hơn 80 GV, giáo sư của các trường ĐH đối tác Đức, làm việc theo chế độ thỉnh giảng. Trường cũng được hỗ trợ về đào tạo và quản trị nhà trường của Hiệp hội VGU, bao gồm 38 trường ĐH đối tác Đức.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 9/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Hiệp định hợp tác cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đối tác chiến lược trong nước và Liên minh gồm hơn 60 trường ĐH của Pháp làm đối tác chiến lược nước ngoài. Dự án xây dựng Trường trên khuôn viên rộng 65 ha nằm trong khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 210 triệu USD (3.720 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ Ngân hàng ADB là 190 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ là 20 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn từ 2011 - 2017.

Năm học 2010-2011, Trường đã tuyển sinh, khai giảng và tổ chức đào tạo khóa đầu tiên với 20 SV ĐH ở 2 chuyên ngành là Công nghệ sinh học - dược học và Khoa học công nghệ môi trường và 40 học viên cao học. Quy mô đào tạo năm học 2011 - 2012 của trường là 171 SV và học viên cao học.

Nhìn chung, việc xây dựng 2 trường ĐH “xuất sắc” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp quy với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho việc thành lập, xây dựng trường cả về đất đai, kinh phí cũng như quy chế tổ chức, hoạt động. Đồng thời, các trường cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả từ các đối tác nước ngoài cả về tài chính lẫn nhân sự.

Hồng Hạnh