Trường ĐHDL Đông Đô tiếp tục bất ổn

Sau hai khóa Hội đồng quản trị của Trường ĐH Dân lập Đông Đô bị giải thể, Hội đồng quản trị khóa 3 của trường này lại một lần nữa “đứng bên bờ vực” bởi những lá thư tố cáo.

Theo đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Phó bí thư thường trực Đảng ủy thì Trường ĐHDL Đông Đô thành lập tháng 10/1994, nhưng chỉ 4 năm sau (năm 1998), do những sai phạm về tuyển sinh và một số vấn đề khác, HĐQT của trường đã phải nhận hình thức kỷ luật giải thể.

HĐQT khóa 2 lại tiếp tục vấp phải những sai phạm nghiêm trọng hơn. Bốn đảng viên bị khai trừ Đảng, HĐQT lần 2 bị giải thể vào năm 2001.

Tháng 4/2002, Bộ GD-ĐT chỉ định HĐQT lâm thời, từ tháng 9/2003 chính thức thành lập HĐQT khóa 3.

Ông Khanh và ông Đàm Quang Giang, Phó hiệu trưởng Trường ĐHDL Đông Đô cho biết sau khi thành lập, HĐQT khóa 3 đã vượt qua rất nhiều khó khăn để khắc phục những hậu quả của hai HĐQT các khóa trước. Hội nghị cán bộ giáo viên toàn trường tháng 12/2004 và đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ 3 tháng 9/2005 đã khẳng định: Trường ĐHDL Đông Đô đã đi vào thời kỳ ổn định và có bước phát triển.

Nhưng cũng chỉ sau ĐH Đảng bộ lần thứ 3 của trường, liên tục vào cuối năm 2005 và đầu năm 2006 đã xuất hiện những lá đơn phản ánh và đề nghị điều tra việc vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Niên, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Đông Đô, Bí thư Đảng ủy nhà trường.

Cụ thể, các lá đơn tố cáo cho rằng: ông Nguyễn Niên trốn thuế và chiếm dụng số tiền trốn thuế; dùng gần 2 tỉ đồng chi cho việc xin đất xây trường kéo dài nhiều năm nhưng chưa có kết quả; đòi nợ theo kiểu "xã hội đen"...

Ngày 28/10/2005, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã ra quyết định kiểm tra Trường ĐHDL Đông Đô, nhưng dự thảo kết luận của đoàn kiểm tra sau hơn 5 tháng thanh tra đã bị những người tố cáo phản đối, và họ đề nghị cách chức Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao.

Mới đây, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có dự thảo kết luận kiểm tra tại Trường ĐHDL Đông Đô theo quyết định kiểm tra ngày 10/4/2006. Đến lượt ông Khanh và Ban giám hiệu Trường ĐHDL Đông Đô lại phản ứng dự thảo kết luận này, và đã có thư gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển và các cơ quan chức năng.

Trao đổi với báo chí sáng ngày 22/5, ông Nguyễn Văn Khanh bức xúc: Lãnh đạo trường khẳng định, tất cả việc làm của đồng chí Nguyễn Niên là không có tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đều nhằm mục đích vì lợi ích nhà trường. Nội dung các tố cáo hầu hết là bịa đặt, vu khống với mục đích xấu.

Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn cử: Họ tố cáo đồng chí Niên dùng tiền chi cho việc xin đất xây trường nhưng chưa có kết quả. Thực tế là sau khi kiểm tra đất đai toàn quốc và Hà Nội, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có công văn số 4696 ngày 28/11/2005 do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký, gửi UBND Hà Nội có ý kiến: "Thu hồi một phần diện tích đất sử dụng không có hiệu quả, không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích của Công ty dược liệu T.Ư 1 tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) để xây trường học của Trường ĐHDL Đông Đô".

Và trong tháng 6 này, Công ty dược liệu Trung ương 1 sẽ bàn giao đất cho Trường ĐHDL Đông Đô.

Như vậy là sau 2 cuộc thanh tra, tình hình tại Trường ĐHDL Đông Đô trong 6 tháng rưỡi qua vẫn rất bất ổn và lộn xộn. Vấn đề đặt ra hiện nay là thanh tra Bộ GD-ĐT cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập một tổ kiểm tra vụ việc tại Trường ĐHDL Đông Đô; trực tiếp cho những người tố cáo và bị tố cáo đối chất và đưa ra những chứng cứ cụ thể để làm rõ động cơ tố cáo; nếu có sai phạm thì ai sai phạm, và mức độ sai phạm đến đâu...

Tình hình bất ổn vẫn tái diễn ở Trường ĐHDL Đông Đô đã cho thấy một vấn đề, nếu cơ quan kiểm tra chỉ "lắng nghe" một phía sẽ không tránh khỏi những quy kết không đúng người, đúng tội.

Và nếu cứ kéo dài tình trạng người nói đi, người nói lại, không được giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình học tập của hơn 3.000 sinh viên và ảnh hưởng trực tiếp đến sự "hồi phục" và phát triển của Trường ĐHDL Đông Đô.

Theo Thu Hồng
Báo Thanh niên