Bạn đọc viết:

Trường học chính là xã hội thu nhỏ mà con trẻ được tiếp xúc

(Dân trí) - Tôi đọc bài viết về mô hình tự học tại nhà Homeschool mà các nhà giáo hàng đầu nhận định không thích hợp với môi trường giáo dục ở Việt Nam, ở góc độ là phụ huynh có con đang theo học tại trường công lập, tôi thấy rất đúng.

Câu chuyện của gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh quyết định cho hai con dừng việc học tại trường, để con học ở nhà dưới sự dạy dỗ của gia đình chỉ là trường hợp cá biệt. Anh chị đều là giảng viên, có nghiệp vụ sư phạm, có hiểu biết sâu rộng khi kết nối, tìm tòi sách vở cũng như các khóa học cho hai con thì mới có thể để con ở nhà, bố mẹ dạy. Chính anh chị cũng khẳng định việc học ở nhà là công việc có nhiều khó khăn, cần nền tảng tri thức vững vàng của bố mẹ, cần tài chính cho các khóa học tiên tiến với chi phí không hề rẻ. Điều đó cho thấy, việc để con học tại nhà không hề đơn giản, chỉ thích hợp với những gia đình có điều kiện dư giả.

Hiện giờ có rất nhiều trường học từ công lập, tư thục đến các trường quốc tế xuất hiện ở các thành phố lớn đáp ứng nguyện vọng học hành cho con em chúng ta. Tôi nghĩ việc học tại nhà khiến con em chúng ta thiếu kĩ năng hòa nhập cộng đồng, tương tác cùng bạn bè, thầy cô. Có thể các em học tập giỏi giang, là "mọt sách" nhưng rất lúng túng khi cư xử với mọi người, xử lý tình huống ngoài đời thực thiếu linh hoạt. Các em học tại nhà được tiếp cận với bạn bè quốc tế qua mạng, qua các khóa học ngắn hạn tại nước ngoài nhưng lại không có bạn bè xung quanh, đấy là thiệt thòi mà có thể gia đình các em không nhìn ra.

Có rất nhiều phụ huynh hễ nhắc đến giáo dục là bất mãn, bức xúc, mệt mỏi và tuyệt vọng vì áp lực học hành của các con nặng nề, giáo viên thì sẵn sàng trù úm nếu học sinh không đi học thêm, bạo lực học đường gia tăng. Tôi có cảm giác nhiều người sẵn sàng nổi khùng khi nhắc đến chuyện con em chúng ta tới trường và học tập ra sao, luôn bị thầy cô đối xử bất công...

Tôi thì cho rằng phụ huynh chúng ta đừng bi quan quá mức khi con đến trường. Tôi luôn nghĩ ở bất cứ vấn đề nào cũng đều tồn tại hai mặt tiêu cực và tích cực. Con đến trường ở lớp có mấy chục bạn, cùng học, cùng chơi, cùng phấn đấu, cùng trải nghiệm các hoạt động tập thể. Điều ấy rất tốt cho sự phát triển toàn diện của con. Không thể đòi hỏi một ngôi trường chỉ toàn giáo viên giỏi, tận tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giảng dạy, yêu thương học sinh như con. Tôi nghĩ rằng ở bất cứ một lớp học nào mà con đang học, từ lớp 1 đến lớp 12, con sẽ được gặp những thầy cô tuyệt vời và sẽ gặp những thầy cô nghiêm khắc hay dữ dằn, có những thầy cô yêu thương học trò và có những thầy cô coi việc dạy chỉ là công việc kiếm tiền đơn thuần, hết tiết giảng là hết trách nhiệm, trò hư phải nhắc nhở, kỉ luật...

Có lẽ chính những vấn đề tồn tại muôn thủa trong môi trường giáo dục, tại trường lớp mà các con theo học là biện pháp rèn giũa thực tế nhất để con lớn lên. Tôi coi nhà trường chính là xã hội thu nhỏ, ít biến động nhất, ít phức tạp nhất để con học hỏi kiến thức, học hỏi cách ứng xử, tương tác với bạn bè và thầy cô giáo.

Con tôi không đi học thêm, tôi thấy cô hay phàn nàn về con nhưng thực tế, tôi hiểu rõ con mình quá hiếu động, hay nói chuyện riêng trong giờ học, vậy thì lỗi sai thuộc về con. Tôi không hề oán trách việc từ lớp 2, con đã phải viết bản kiểm điểm đưa bố mẹ ký nhận. Tôi có buồn bực, suy nghĩ này kia nhưng chỉ thoáng qua, tôi vẫn vui vẻ hướng dẫn con viết bản kiểm điểm sạch đẹp, nhận lỗi với cô. Con viết kiểm điểm nhiều đến nỗi, con rất thuộc cách trình bày và tôi thì hiểu là con mình còn quá nghịch trong lớp. Con tôi luôn được các cô giáo nhớ tên, nhớ mặt, không phải vì con học giỏi mà vì con quá nghịch. Có lần cô giáo bực quá, cho con đứng góc lớp để cảnh cáo lỗi của con nhưng con vẫn tái phạm và con đã phải ra ngoài hiên đứng một mình, không còn phá lớp nữa... Cũng có nhiều khi con bị bạn bè tẩy chay vì hay giành đồ chơi của bạn, hay cãi vã với mọi người... Không sao hết, sau mỗi lần con bị cô trách mắng, bạn bè cười chê, con sẽ tự điều chỉnh lại hành vi, thái độ cư xử.

Cha mẹ nào cũng mong muốn con được học hành trong một ngôi trường toàn thầy cô ưu tú, yêu thương học trò hết mực, gánh nặng học hành phải được giảm bớt. Ai cũng mong thầy cô đối xử công bằng, không thiên vị dù con em mình không đi học thêm... Có lẽ phụ huynh chẳng nên vì giấc mơ một ngôi trường cổ tích mà lại chán nản, thất vọng vì trường lớp thật tồn tại nhiều bất cập rồi cho con nghỉ học, tự học ở nhà. Cha mẹ không phải là siêu nhân giỏi cùng lúc rất nhiều môn học để dạy dỗ các con.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!