Trường học: Chưa biết "chào hàng"!

"Các trang web của trường ĐH, CĐ đều chỉ trình bày về các môn học và công việc tương lai sau khi tốt nghiệp, chứ không hề đề cập đến số SV tốt nghiệp đã có việc làm và cơ cấu thành phần công việc cũng như mức lương".

"Trường ĐH cũng chưa chú trọng công tác marketing khiến HS và phụ huynh không thể nắm được thông tin đầy đủ", TS Bùi Thị Lan Hương, phụ trách đào tạo Trung tâm pháp Việt về Đào tạo và quản lý TPHCM nhận xét như vậy, từ kết quả khảo sát “hành vi người tiêu dùng” đối với dịch vụ giáo dục ĐH. Phóng viên đã có cuộc chuyện trò cùng TS:

 

Thưa bà, việc tìm hiểu “hành vi người tiêu dùng” đối với "dịch vụ giáo dục ĐH" theo như cách gọi của bà, đã cho kết quả gì?

 

Khảo sát phân tích hành vi của đối tượng sử dụng trực tiếp dịch vụ giáo dục cũng như doanh nghiệp đối với “sản phẩm cuối cùng” do các trường ĐH, CĐ cung cấp cho thấy HS cấp 3 là khách hàng tiềm năng của các trường. Và sau đó là sinh viên ĐH.

 

Hầu hết giáo viên cấp 3 được khảo sát đều cho rằng, chỉ khoảng 20% HS lập kế hoạch và đặt mục tiêu rõ rệt cho nghề nghiệp tương lai cho mình. 80% còn lại do cha mẹ quyết định, có tính đến khả năng của HS và theo truyền thống gia đình. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khả năng của HS đồng nghĩa với việc trúng tuyển ít nhất vào một trường ĐH, CĐ.

 

Trường học: Chưa biết "chào hàng"! - 1
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TS Bùi Thị Lan Hương

Theo khảo sát mà bà đã tiến hành, tiêu chí lựa chọn trường học của học sinh, phụ huynh là gì?

 

Không giống các nước khác, học phí không phải là tiêu chí để các SV chọn trường ĐH ở VN. Vì không có sự khác biệt lớn về mặt bằng giá.

 

Để minh hoạ về việc đưa ra các tiêu chí chọn trường của SV ĐHQG TPHCM, một cuộc khảo sát của trường vào năm 2003 cho thấy các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống là sở thích, khả năng cá nhân, có thông tin đầy đủ về các ngành và môn học, theo lời khuyên của phụ huynh, nghề đang có nhu cầu lớn, ảnh hưởng của bạn bè, của gia đình.

 

 Tuy kết quả này đã cũ cũ, nhưng cũng rất thú vị vì đã phản ánh được những nét đặc thù của nền giáo dục Việt Nam.

 

 Các kết quả này cho thấy 2 động cơ chủ yếu của HS khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai, đó là khả năng trúng tuyển vào ĐH cùng với ảnh hưởng rất lớn của phụ huynh.

 

Dù sao, cảm nhận về chất lượng dịch vụ giáo dục ở cấp bậc ĐH và động cơ của phụ huynh HS đã nói lên sự mong muốn có một nghề nghiệp ổn định và mức lương hấp dẫn khi ra trường. 

 

Tuy vậy, nếu các thông tin về chương trình học và việc làm sau khi tốt nghiệp đến với các phụ huynh cũng như SV một cách dễ dàng thông qua các trang web của trường hoặc các ngày hội việc làm, hoặc giới thiệu tuyển sinh, thì các thông tin về các tiêu chí chọn lựa cảm nhận bởi nhóm người tiêu dùng này, thí dụ như  tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cũng như sự phân bổ về ngành nghề, mức lương… không được thông báo rộng rãi.

 

Điều này chứng tỏ, các cơ sở giáo dục, cho đến nay vẫn chưa sử dụng cách tiếp cận marketing để thu hút các SV tương lai, chừng nào họ còn chịu sự phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

 

Nhưng trong thực tế, thi tuyển ĐH là sự lựa chọn gay gắt mà từ trước tới nay, bao giờ nhu cầu "có một chỗ ngồi trong trường ĐH" bao giờ cũng rất cao so với hệ thống trường ĐH, CĐ hiện có. Các trường, thậm chí không cần phải quảng bá cũng thu hút được thí sinh ngon lành rồi?

 

Theo quan điểm marketing thì  các trường ĐH, công hay tư, đều phải “bán” các dịch vụ giáo dục cho khách hàng để rồi sau đó lại cung cấp những “sản phẩm cuối cùng” của mình cho thị trường lao động.

 

Tuy nhiên, cách tiếp cận marketing hầu như chưa được các trường ĐH trong nước chú trọng. Đó là nguyên nhân dẫn đến các HS và phụ huynh không thể nắm được thông tin đầy đủ nhằm giúp họ tự xây dựng cho mình tiêu chí chọn lựa.

 

Các công cụ truyền thông được các trường ĐH trong nước được sử dụng nhiều nhất để quảng bá thương hiệu của mình là các ngày hội việc làm, các buổi giới thiệu tuyển sinh và các trang web của trường. Mặc dù các công cụ này vẫn đang được sử dụng, nhưng nó không thực sự mang lại hiệu quả cao. 

 

Các trang web của trường ĐH, CĐ đều chỉ trình bày về các môn học và công việc tương lai sau khi tốt nghiệp chứ không hề đề cập đến số SV tốt nghiệp đã có việc làm và cơ cấu thành phần công việc cũng như mức lương.

 

Các trường ĐH không đưa ra số liệu thống kê hàng năm về các SV vừa tốt nghiệp có việc làm ngay và cũng không đánh giá một cách đầy đủ về chất lượng “sản phẩm cuối cùng” một khi đã tung ra thị trường lao động.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Theo Đoan Trúc - Cam Lu

Vietnamnet