Trường học hai lớp giữa đại ngàn

(Dân trí) - Căn chòi trệt hai gian được gọi là phòng học của bản Tà Lao (xã Tà Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nằm bên con suối nhỏ, lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, cách biệt "phố núi" Dakrong 30 km đường rừng uốn khúc.

Chủ nhiệm của lớp, thầy Lê Thanh Hưng cùng 16 học sinh trong bản vẫn cứ đều đặn một tuần sáu buổi đến lớp.

Lớp học “2 trong 1”

Năm 2001, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với tấm bằng loại giỏi, thầy Hưng được phân công công tác ngay tại quê hương Cam Lộ. Thế nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ đã thúc đẩy thầy tình nguyện lên với Tà Lao để gieo chữ cho đồng bào Vân Kiều nghèo khó.

Thời gian đầu mới đứng lớp, thầy trò gặp biết bao gian nan. Lúc đầu chưa có phòng học, phụ huynh các em phải đóng góp tre và gỗ để dựng lớp. Phòng học đơn sơ chỉ kê được10 cái bàn cũ đưa về từ UBND xã Tà Long. Lớp học lại đúng nghĩa với cách gọi giáo viên "đứng lớp" bởi không có bàn ghế dành cho giáo viên.

Khó khăn nhất là các em luôn có thói quen nói tiếng Vân Kiều, do đó ngoài thầy Hưng còn có thêm một thầy bản địa nói tiếng Vân Kiều để hỗ trợ. Vậy là lớp học "kép" được ra đời tại đây, bao gồm lớp ghép 1+5 do thầy Hưng làm chủ nhiệm và lớp ghép 2+3 do thầy Hồ Văn Tào làm chủ nhiệm. Tuy sĩ số của hai lớp học chỉ có 30 em nhưng tiếng giảng bài mỗi chiều vẫn cứ vang lên đều đặn bên dòng suối An Hưng - dòng suối được thầy đặt tên ngôi làng dưới xuôi của mình để đỡ nhớ nhà mỗi khi chiều buông.

Lớp 1+5 của thầy Hưng có 16 em thì 10 em học lớp 5 còn 6 em học lớp 1. "Trường học" cũng được chia đôi bằng mấy miếng ván tạm để thầy Tào dạy một bên. Điều kiện khó khăn là vậy nhưng việc dạy chữ cho các em luôn được đảm bảo giờ giấc và chất lượng.
 

Trường học hai lớp giữa đại ngàn - 1

"Ngôi trường" của bản Tà Lao. (Ảnh: Triều Dương)

“Thầy thương dân bản lắm!”

Lớp học được cắm ngay tại bản nên các thầy có điều kiện đến tận từng nhà động viên, khuyến khích các em học hành không được bỏ tiết, bỏ buổi. Mỗi năm vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, các em mang tặng thầy món quà đơn sơ như củ sắn, mớ rau rừng, con gà hay chiếc thủ lợn... Món quà khiến các thầy ấm lòng giữa đại ngàn heo hút. Em Hồ Thị Re, học sinh lớp 5 nói: "Thầy dạy ở đây đã bốn mùa rẫy rồi, thầy thương học sinh, thương dân bản lắm. Chúng em sẽ học thật nhiều cái chữ để không phụ công thầy dạy dỗ".

Từ ngày được biên chế lên với Tà Lao, thầy Hưng và thầy Tào sống trong một căn "chòi sàn" rộng 9m2 lợp bằng tôn phi-brô và thưng bằng phên tre. Qua bốn mùa rẫy, căn chòi tre cũng đã mục nát. Già làng Hồ Văn Vang cho biết: "Dịp tới, phụ huynh sẽ chặt tre, đốn gỗ làm lại nhà cho hai thầy". Rồi nay mai, dự án xây dựng trường học cho Tà Lao (nằm trong chương trình 135 của Chính phủ) sẽ được tiến hành. Lúc ấy, các thầy sẽ không phải chịu cái lạnh khi gió núi lùa qua khi ngồi soạn giáo án.

Người Vân Kiều luôn tự hào được mang họ của Bác nên quyết tâm học cái chữ để biết được chính sách của Đảng, của nhà nước. Vì thế các em nhỏ của bản đều đến trường 100%. Câu chuyện về sự học nơi núi rừng Tà Lao vẫn tiếp tục được viết bởi người thầy giàu nhiệt huyết.

Khi được hỏi về tương lai, thầy Hưng chân thành: "Những giáo viên như chúng tôi sẽ tiếp tục việc dạy học của mình đến lúc nào các em của bản biết được cái chữ, khi đó tôi sẽ tiếp tục sang "cắm" ở các bản khác, bởi nhiều nơi bà con Vân Kiều vẫn còn mù chữ". Thầy không mơ ước dạy ở thành phố, được nhận lương cao, chỉ mong làm sao dự án xây trường học cho dân bản sớm hoàn thành để học trò của lớp khỏi gồng mình chịu rét khi mùa đông đến hay trầy mình giữa mùa hè nóng bức.

Giữa mênh mông núi rừng Tà Lao, tiếng suối vẫn rì rào đổ, tiếng chày của các thiếu nữ Vân Kiều vẫn đều đều nện cối và tiếng đánh vần ê …a… của thầy trò cứ vang lên mỗi chiều

Triều Dương - Trần Tú