Dự án xây dựng các TTGDTX ở TPHCM:

Trường mới… hãy đợi đấy!

Trên địa bàn TPHCM hiện nay có 20 trung tâm giáo dục thường xuyên thì hơn phân nửa trong số đó trường lớp chưa đúng quy cách, hoặc đã xuống cấp và quá tải trầm trọng.

Các ban ngành chức năng TPHCM đã có nhiều dự án xây dựng trường mới, nâng cấp phòng học, phòng chức năng… cho các trung tâm này. Thế nhưng, nhiều dự án được hình thành cách đây gần chục năm, đến giờ cũng chỉ còn nằm trên… giấy vì nhiều lý do khác nhau.

Dồn ép, ọp ẹp, nóng bức…

Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) quận 9 hiện có hơn 500 học sinh đang theo học cả ba cấp, nhưng cơ sở vật chất (CSVC) của trường chỉ có 8 phòng học, không có phòng chức năng, phòng dạy nghề. Cơ sở xây dựng đã lâu, đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, bàn ghế cũ kỹ, các phương tiện dạy học còn thiếu.

Năm học 2006-2007 nhà trường nhận được từ Sở GD-ĐT một số trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, nhưng do không có phòng chức năng nên số thiết bị trên được “đóng hộp” bỏ trong… kho! Có phòng trống nào thì nhà trường tận dụng “hết công suất” làm phòng học cho các em. Ngay cả phòng nhỏ dành cho bảo vệ cũng được nhà trường tận dụng để làm kho chứa thiết bị dạy học.

Em Trần Văn Tấn, lớp 12C1 (TTGDTX quận 9) than thở: “Trường lớp quá chật chội, những năm học ở đây em rất ít được vui chơi giải trí trên sân trường. Không có phòng thực hành, chúng em chỉ học lý thuyết suông. Dù rất cố gắng nhưng chúng em cũng không thể học tốt được!”.

Trên địa bàn quận 9, dân nhập cư rất đông, mặt khác nhiều công ty, xí nghiệp có nhu cầu được nâng cao trình độ công nhân của công ty, đơn vị mình nhưng tình hình trường lớp như thế nên rất hạn chế đến việc chiêu sinh, hoạt động… Thầy Hồ Tấn Hóa, Phó giám đốc TTGDTX quận 9 lo lắng: “Do môi trường học tập, giảng dạy hiện nay như thế nên thầy cô giáo của trung tâm dù đã dốc hết công sức, tâm huyết, nhưng chất lượng cũng chưa được như mong muốn. Mặt khác, do hạn chế về CSVC nên chức năng liên kết của nhà trường với nhu cầu nâng cao trình độ cho công nhân của các nhà máy, công ty trên địa bàn quận cũng chưa được phát huy”.

Nếu có dịp đi ngang qua TTGDTX quận 7 vào thời điểm này thì không ít người phải… giật mình. Cơ sở tận dụng lại của Trung tâm Văn hóa quận đã xây dựng từ mấy chục năm qua. Tất cả được lắp ghép, chắp vá để lấy chỗ dạy học tạm bợ cho học sinh. Cơ sở đã xuống cấp trầm trọng, hầu hết bàn ghế, bảng đều xiêu vẹo, sân chơi không có, nhà vệ sinh thiếu, không có không gian tách biệt cần thiết… Mặt khác, quy cách thiết kế không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Bên cạnh sự chật vật về CSVC, đội ngũ giáo viên của trường còn thiếu trầm trọng. Nhà trường phải thuê giáo viên từ các trường khác trên địa bàn về đứng lớp, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của trung tâm.

Còn TTGDTX quận 2 thì hai dãy nhà cấp bốn nay đã xuống cấp, với quy mô 8 phòng. Tất cả các cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường làm việc trong một phòng chỉ vỏn vẹn khoảng hơn chục mét vuông, 7 phòng còn lại làm phòng học cho học sinh. Bước vào các phòng, không khí hầm hập nóng từ mái tôn tỏa xuống. Nhìn mồ hôi nhễ nhại của thầy cô giáo và học sinh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Tiếp chúng tôi, thầy giáo T. giãi bày: “Nhiều học sinh thường ví lớp học ở đây là lò nung bánh mì, nhưng ngồi học riết rồi cũng quen thôi anh ạ!”.

TTGDTX quận 9, TTGDTX quận 7 và quận 2 chỉ là ba “ví dụ nhỏ” trong rất nhiều trung tâm đã xuống cấp trên địa bàn TPHCM. Đây cũng là các trường đã có dự án xây mới từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai… bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhìn vào hệ thống các TTGDTX hiện nay chúng ta dễ dàng nhận thấy là phần lớn các trung tâm đều chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Bài toán về trường, lớp của các TTGDTX rõ ràng còn rất nan giải. Nhiều dự án có kế hoạch xây dựng đã lâu, nhưng đến nay học sinh vẫn phải học ở những cơ sở quá “date”. Điều đáng nói hơn là với CSVC trường lớp như vậy, khó có thể nâng chất lượng học tập của học sinh, cũng như việc dạy nghề cho các em và chức năng liên kết đào tạo nghề của các TTGDTX dường như bị bỏ quên!

Trường mới… hãy đợi đấy!

Dự án xây dựng mới TTGDTX quận 9 đã có từ năm 2000, với kinh phí 26 tỷ đồng, và sẽ được xây dựng trên địa bàn phường Tăng Nhơn Phú B, nhưng đến nay vẫn chưa khởi động. Thầy Vương Hồng Châu, Giám đốc TTGDTX quận 9 cho biết: “Kế hoạch xây dựng trường mới đã có từ gần 10 năm nay, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi vẫn phải cố gắng tận dụng CSVC để duy trì việc dạy và học, chờ có trường mới”.

Còn quận 2 đã có kế hoạch xây dựng từ năm 1998 và đã nhiều lần thay đổi phương án. Trong cuộc họp ngày 20/5/2005 đã thống nhất sẽ xây dựng trường mới với quy mô 20 phòng học và 10 phòng chức năng, phòng dạy nghề, thí nghiệm… trên diện tích 5.000m2 tại phường Thạnh Mỹ Lợi. Nhưng từ đó cho tới nay trường vẫn chưa thấy thi công, không những thầy cô giáo và học sinh nhà trường mong mỏi trường mới, ngay cả phụ huynh học sinh cũng rất ngao ngán khi nhìn trường lớp hiện nay.

Tiếp xúc với nhiều phụ huynh ở khu vực gần trung tâm, họ đều thẳng thắn tuyên bố “thà cho con nghỉ học chứ không thể cho con học trong trường lớp mà cơ sở vật chất ọp ẹp thế này”. “Khi con tôi vào học lớp 10 chúng tôi đã nghe tiến hành xây dựng trường mới. Nhưng hiện nay cháu sắp ra trường nhưng chưa thấy nhúc nhích gì, chúng tôi thấy “thương” cho các cháu khi phải học trong tình trạng CSVC như hiện nay”, phụ huynh Nguyễn Tri Phương lo lắng.

Thầy Nguyễn Huy Minh, Giám đốc TTGDTX quận 2 tâm sự: “Hiện nay Ban quản lý dự án quận đang chuẩn bị đưa ra đấu thầu, bởi trung tâm nằm trong vùng giải tỏa của hành lang Đông - Tây. Vì vậy trung tâm sẽ được xây dựng trong thời gian tới”. Lại tiếp tục là những lời hứa! Không biết khi nào trường mới được xây, trong khi các dự án đang còn “chuẩn bị” thì những giọt mồ hôi của thầy và trò nhà trường vẫn tiếp tục rơi xuống trang vở.

Còn TTGDTX quận 7 thì đã có kế hoạch thi công từ ba năm nay, nhưng thời gian đấu thầu kéo dài, nay giá vật tư tăng nên lại phải điều chỉnh lại, kéo theo chậm trễ về thời gian thực hiện. Điều đáng nói là trung tâm hiện có hơn 800 học sinh, nhưng cơ sở cũ (cư xá Ngân Hàng) đã được giao cho trường Mầm non Sương Mai xây dựng mới nay đã sắp hoàn thành. Để có chỗ học cho các em, nhà trường phải mượn cơ sở 2 của Trung tâm Văn hóa quận và trường THCS Huỳnh Tấn Phát, nên các em gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại cũng như học tập.

Việc xây dựng mới các TTGDTX sẽ chờ đến bao giờ?

Theo Ngọc Hưng
Giáo dục TPHCM