Đắk Lắk:

Trường thu nhiều phí xây dựng nhưng không làm nổi tấm bảng trường chuẩn quốc gia

(Dân trí) - Mặc dù thu nhiều khoản phí để xây dựng cơ sở vật chất nhưng Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) không làm nổi tấm bảng công nhận trường chuẩn quốc gia mà chỉ để tấm bảng in trên bạt nhựa rách nát.

Việc này khiến phụ huynh có con em học tại trường thắc mắc số tiền đóng để xây dựng đi về đâu? 

Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) bị phụ huynh tố thu - chi không rõ ràng
Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) bị phụ huynh tố thu - chi không rõ ràng.

Nhà trường thu - chi không rõ ràng

Vừa qua, báo Dân trí nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con em đang theo học tại Trường THCS Trần Phú. Theo đó, mỗi năm học sinh đóng góp với  mức phí từ 3 - 5 triệu đồng tùy từng cấp học. Trong đó, có nhiều khoản thu không rõ ràng, không chi tiết cho phụ huynh nắm rõ. 

Cụ thể, theo các phụ huynh các khoản tiền nhà trường cho thu nhưng không rõ ràng như: Cơ sở vật chất: 1 triệu đồng; hỗ trợ hoạt động 70 ngàn đồng. Đồng thời, mỗi học sinh phải đóng 3 loại quỹ: Quỹ lớp 200 ngàn, Quỹ Hội 120 ngàn đồng, Quỹ Đội 73 ngàn đồng… Nhưng việc chi vào việc gì thì phụ huynh không được rõ.

Anh H.B.A (thôn Thống Nhất, xã Ea Tân) cho biết: “Hằng năm, nhà trường thông báo nhiều khoản thu, nhưng chính các phụ huynh cũng không biết cụ thể thu bao nhiêu chi bao nhiêu, các khoản chung chung không rạch ròi”.

“Trường thu khoản tiền cơ sở vật chất 1 triệu đồng/em, nhưng thực chất chúng tôi cũng không biết nhà trường thu để chi vào những việc gì, nên rất thắc mắc. Đáng ra nhà trường phải chi tiết từng mục cho phụ huynh chúng tôi được nắm, chứ không thể vậy được”, anh A. thắc mắc.

Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng phản ánh việc nhà trường đề ra mức thu trên 3 triệu đồng, nhưng phiếu nộp tiền mà phụ huynh nhận được chỉ có giá trị trên 1 triệu đồng.

Anh H.V.N. (thôn Thống Nhất) cho biết: “Năm nay con trai anh vào học lớp 7, trường thông báo các khoản thu là 3,3 triệu đồng. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng phản ảnh việc thu tiền hơn 3 triệu đồng nhưng khi phát phiếu chỉ đưa phiếu 1.310.000 đồng”.

“Tôi thấy đóng góp một đằng thì phiếu thu một nẻo và thiếu 2 triệu đồng, nên tôi có hỏi lại với giáo viên chủ nhiệm, thì được trả lời thu vào khoản này khoản kia… Tôi gặp hiệu trưởng hỏi, thì thầy trả lời chung chung và sẽ gặp lại giáo viên để hỏi lại”, anh N. băn khoăn.

Riêng các phụ huynh cho con chuyển cấp vào lớp 6 của trường cho biết mức thu đầu vào trường đề nghị đóng lên tới gần 5 triệu đồng/em.

“Học sinh vào đầu năm học, nhập học cấp 2 đóng số tiền gần 5 triệu đồng. Tôi đã đóng 3,6 triệu trước cho con, số tiền này theo tôi thấy khá cao. Nhà tôi 3 con đi học, cứ đến đầu năm học lại thấy lo vì các khoản thu cao”, anh N.V.Đ. (phụ huynh học sinh lớp 6) phản ảnh. 

Thông báo thu các khoản tự nguyện đóng góp của phụ huynh
Thông báo thu các khoản tự nguyện đóng góp của phụ huynh.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Phước - Hội trưởng Hội Phụ huynh Trường THCS Trần Phú cho biết, gia đình ông hiện có con học lớp 7 đang theo học tại trường đóng các khoản của trường và các khoản học thêm tại trường gần 4 triệu đồng.

Ông Phước cũng thừa nhận, các khoản thu ở trường khá cao và cũng nhận được những phản ánh của phụ huynh khác về vấn đề này. “Trường thu hơi cao, thu cao ở khoản cơ sở vật chất vẫn chưa có ghi rõ ràng các khoản. Tôi có hỏi thầy cô chi tiết các khoản thì được cho biết được sử dụng vào các khoản như: sửa sân bóng đá, nhà đa năng, sửa bàn ghế... Tôi cũng muốn trường thu - chi rõ ràng, mỗi khoản bao nhiêu tiền để tôi nói lại cho các phụ huynh tránh trường hợp người dân phản ánh sau đó”, ông Phước cho hay.

Ông Phước cho biết, trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, khi giáo viên thông báo các khoản, thì các phụ huynh trong lớp cũng bàn tán rất nhiều, nhưng sau họ mới phản ánh cho cá nhân ông chứ ít khi nói với giáo viên.

Nghe phản ảnh mới làm lại bảng hiệu trường chuẩn

Liên quan vụ việc, ông Nguyễn Hồng Vĩnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các khoản thu của trường, được tiến hành thu sau khi có chủ trương của xã; tổng các khoản đóng góp cả học thêm vào khoảng 3,3 triệu đồng/em, đây là mức thu tối đa cho các khối lớp.Về khoản cơ sở vật chất trường thu để trả nợ nhà đa năng… mua bộ sung bàn ghế chứ không chi vào việc khác, thu phụ huynh đồng ý có biên bản.

“Hội Phụ huynh và nhà trường đã làm tờ trình lên xã, và nhận được công văn đồng ý cho thu nên mới thu. Riêng học sinh lớp 6, không có việc thu tới gần 5 triệu đồng mà chỉ thu thêm 120 ngàn đồng tiền mua máy tính mà thôi”, hiệu trưởng Vĩnh nói thêm.

Trước câu hỏi trường tiến hành thu khoản tiền cơ sở vật chất khá cao, nhưng không xây được tấm bảng công nhận trường chuẩn quốc gia, mà để tấm bảng rách nát gây phản cảm, thầy Vĩnh cho biết: “Việc tấm bảng công nhận trường chuẩn bị rách nát, thì chúng tôi đã có chủ trương cho xây dựng lại và sắp tới sẽ xây dựng bảng trường chuẩn quốc gia mới không như vậy nữa”.

Ông Võ Tá Kiểu - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng cho biết: Phòng hiện cũng chưa nhận được phản ánh  nào của phụ huynh về vấn đề thu - chi của Trường THCS Trần Phú. Vấn đề các mức đóng góp xã hội hóa thu còn tùy điều kiện của từng địa phương.

“Các khoản này nếu được sử dụng không đúng mục đích thì nên làm, sử dụng vào mục đích cá nhân thì chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Quan trọng là nhà trường có làm đúng quy trình, có dân chủ và có đầy đủ văn bản hay không. Sắp tới Phòng sẽ xuống kiểm tra xem, nếu có sai phạm sẽ kiên quyết xử lý”, ông Kiểu ý kiến.

Tấm bảng hiệu công nhận trường chuẩn quốc gia rách nát được làm từ năm 2011
Tấm bảng hiệu công nhận trường chuẩn quốc gia rách nát được làm từ năm 2011.

Về việc tấm bảng hiệu trường chuẩn quốc gia của Trường THCS Trần Phú được công nhận từ năm 2011 đã rách nát tả tơi, nhà trường thu nhiều mà không tiến hành làm được bảng hiệu, ông Kiểu cho biết: “Phòng nhiều lần đi kiểm tra các trường trên địa bàn huyện, nhưng không chú ý vấn đề này. Nếu có sự việc này thì rất vô lý, bởi đây là bộ mặt của nhà trường dù có như thế nào cũng phải làm bảng này một cách đàng hoàng mới đúng. Chúng tôi sẽ sớm liên hệ với nhà trường để phản ánh vấn đề này”, thầy Kiểu nhấn mạnh.

Được biết, Trường THCS Trần Phú hiện có 22 lớp, với 916 học sinh, hầu hết người dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, kinh tế gia đình còn khá khó khăn.

Trương Nguyễn