Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005:

Trường tốp dưới và dân lập nín thở đợi điểm sàn

Ngay cả những nhà phân tích tài ba nhất cũng trở nên bối rối khi đứng trước tình hình điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2005: Trong khi một số trường tốp dưới dự kiến điểm tuyển cao chót vót thì không ít trường lại phải nín thở chờ đợi điểm sàn...

Trường tốp dưới cũng khó tuyển?

 

Mưa điểm 9, 10 hầu như chỉ rơi vào một số trường tốp I. ĐH Bách khoa HN có 1.161 điểm 10; 2.419 điểm 9,5; 3.076 điểm 9,0 (chỉ tính riêng khối A). ĐHKH Tự nhiên có 550 điểm 10; 938 điểm 9,5 và khoảng hơn 2000 điểm 9,0...

 

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng với những trường này, dù điểm sàn (ĐS) là 15, 17 thậm chí 19, 20 cũng không ảnh hưởng gì tới việc tuyển sinh của họ.

 

Tuy nhiên với khối C hay D tình hình lại khác hẳn do hiện thực khá ảm đạm của điểm thi môn Văn và đặc biệt là môn Sử. ĐHKH XH-NV (ĐHQG TPHCM) đang phải cân nhắc các phương án tuyển khác nhau theo các mức ĐS khác nhau (15 hoặc 14 và 15). Theo cả 2 phương án trường này cũng chỉ tuyển sinh được khoảng 92-97% theo NV1.

 

Được biết một số trường ĐH thuộc tốp đầu ở TPHCM như ĐH Luật, ĐH Sư phạm... cũng đang tính đến việc tuyển NV2.

 

Một loạt các trường có thí sinh đạt điểm khối C, D thấp cũng đang hồi hộp: ĐH Đà Lạt chỉ có hơn 1.000/gần 8.000 thí sinh đạt điểm 5 trở lên; ĐHSP Đồng Tháp tỷ lệ này là 83/1.374; ĐH Sư phạm TPHCM có tới khoảng 550/6.952 TS chỉ đạt điểm 3 trở xuống (trường này chỉ có khoảng 900 TS đạt từ 5 điểm trở lên)...

 

Dân lập trong nỗi lo triền miên

 

ĐH dân lập (DL) Văn Hiến có 815 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển NV1 nhưng đến giờ phút này mới thấy bóng dáng khoảng hơn 100 thí sinh nộp đơn. Trường này đang rất hồi hộp chờ đợi ĐS. Năm trước trường này thiếu 300 TS sau khi tuyển NV1.

 

ĐHDL Văn Lạc Hồng năm trước tuyển đến NV3 mới đủ TS; năm nay với chỉ tiêu 1.500, trường tạm tính điểm sàn như năm ngoái thì cũng mới chỉ có khoảng 600-700 chỗ có thí sinh, phần còn lại đang chờ tuyển các thí sinh theo NV2. Chưa biết thực hư điểm thế nào nhưng nghe nói năm nay ĐS sẽ cao hơn năm trước mà lo - một lãnh đạo của trường tâm sự.

 

Xem thế đủ biết ĐS do cơ quan quản lý định ra có tác dụng đến đâu. Trường ở tốp cao thì không cần đến; trường tốp giữa cũng không mấy cần; còn đối với các trường tốp dưới và DL thì vô hình trung, ĐS trở thành một chiếc ba-ri-e lớn.

 

Điểm sàn bao nhiêu thì vừa?

 

Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng đào tạo ĐHDL Văn Hiến khẳng định việc định ra ĐS cho kỳ thi tuyển sinh là rất đúng vì đó là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của thí sinh; tuy nhiên, ĐS năm ngoái rất khó khăn cho các trường ĐH khu vực phía Nam, đặc biệt trường ĐHDL trong việc tuyển sinh.

 

Thực tế cho thấy mặt bằng điểm khu vực phía Bắc và phía Nam chênh lệch nhau rất lớn trong khi Bộ tính toán ĐS một cách hoàn toàn cơ học không mang tính khả thi.

 

Bộ chỉ tính toán các thí sinh trượt NV1 trên sàn có thể vào học ĐHDL để nâng cao chất lượng, nhưng trên thực tế, có thể số thí sinh này ở phía Bắc dù có đủ điểm vào học các trường ĐHDL khó có thể vào khu vực xa như TPHCM để học (với giá cả sinh hoạt đắt đỏ, điều kiện xa xôi...).

 

Theo ông Hợp, Bộ GD-ĐT nên nới rộng biên độ điểm hơn để đảm bảo tính an toàn cao hơn cho các trường ĐHDL. Thí dụ, chẳng hạn năm ngoái Bộ định ra ĐS trên cơ sở 150% thí sinh thì năm nay có thể định ĐS trên cơ sở 200%, thậm chí 250%...

 

Theo ông Lâm Thành Hiến (ĐHDL Lạc Hồng), nếu ĐS chỉ như năm trước thì tình hình tuyển sinh cũng “đỡ”, nếu ĐS cao hơn là gay go.

 

Ông Nguyễn Hồng Đào (Phó hiệu trưởng ĐHDL Bình Dương) cho biết, đã gọi điện ra Bộ và mặc dù được một thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh “trấn an” bằng cách khẳng định: Nếu ĐS là 15 thì số TS ở TPHCM có thể vào học ở trường này nhiều gấp mấy lần (chỉ tiêu) nhưng ông vẫn lo.

 

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị: Bộ GD-ĐT nên có chính sách riêng với các ĐH vùng phục vụ sự phát triển KT-XH của vùng đó, chẳng hạn như Bình Dương có thể lấy theo ĐS ưu tiên nào đó đối với các TS cam kết về làm việc ở Bình Dương sau khi tốt nghiệp (Ngành GD và địa phương quản lý cam kết của thí sinh bằng cơ chế chỉ phát bằng tốt nghiệp khi về địa phương công tác là một chế độ hậu kiểm nghiêm túc).

 

Trên đây là một số thông tin từ những người trong cuộc, những người đã từng lăn lộn với thực tế tuyển sinh, mong rằng ngành GD-ĐT xem xét, nghiên cứu trước khi định ra một ĐS mang tính thực tiễn cao, giúp các trường ĐH công lập và DL tuyển sinh được nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào.

 

Theo Hồ Thu

 Tiền phong