Trường top trên “phớt” điểm sàn

(Dân trí) - Hội đồng tuyển sinh nhiều trường ĐH top trên đã công bố điểm chuẩn mà không cần đợi mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ công bố ngày 8/8, bởi “đầu vào” của trường sẽ vượt xa mức điểm sàn.

Các trường đã cố gắng giải quyết nhanh gọn về điểm chuẩn để kết thúc đợt tuyến sinh và chuẩn bị cho năm học mới được chu đáo hơn.

 

ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Điện lực... đều đã có điểm chuẩn chính thức. Trường nào cũng ở mức từ 18 đến 24,5 điểm.

 

Điểm sàn có vị trí thế nào đối với các trường và thí sinh năm nay?

 

“Thực ra, mức điểm sàn hầu như không có ảnh hưởng gì đến trường top trên. Hàng năm, các trường top trên thường xây dựng phương án điểm chuẩn của mình mà không cần đợi điểm sàn. Phải phụ thuộc vào điểm sàn chủ yếu chỉ là các trường top dưới và dân lập”- Một cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường ĐH Điện lực tự tin cho biết như vậy.

 

Quả thật, trong năm 2006, một loạt trường có mức điểm chuẩn bằng mức điểm sàn chủ yếu là các trường dân lập và một số ngành khó tuyển của các ĐH nông- lâm- nghiệp và ĐH vùng.

 

Còn về phía thí sinh? Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), đối với khối A, số thí sinh đạt điểm từ 15 trở lên đã chiếm tới 32%, trong khi đó, số chỉ tiêu của tất cả các trường ĐH khối A chỉ “giải quyết” được khoảng 20% trong số này. Đối với khối B thì số thí sinh đạt điểm từ 15 trở lên chiếm tới 44, 6% và chỉ tiêu của tất cả các trường khối B cũng chỉ giải quyết được khoảng  ½ số thí sinh này.

 

 “Điểm sàn của khối A, khối B chắc chắn sẽ không vượt ngưỡng 15”- Lãnh đạo Vụ ĐH và SĐH tiết lộ. Như vậy, điểm sàn đối với thí sinh khối A, khối B trong năm nay cũng không khiến thí sinh phải hồi hộp chờ đợi hay lo lắng nhiều.

 

Tại sao năm nay Bộ vẫn quyết định phải xây dựng điểm sàn?

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, để tránh tình trạng một số vì muốn tuyển đủ chỉ tiêu nên tuyển cả những thí sinh có tổng điểm quá thấp như hiện tượng xảy ra tại rất nhiều các trường dân lập vào thời điểm những năm 2002, 2003. Từ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2004, Bộ GD-ĐT đặt ra quy định về điểm tối thiểu và điểm sàn. Chính quy định này đã làm giảm đáng kể số lượng thí sinh đạt điều kiện được tham gia xét tuyển nguyện vọng.

 

Việc xác định điểm sàn xét tuyển hay còn gọi là điểm sàn xét tuyển tối thiểu nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ĐH. Những thí sinh nào có điểm thi ba môn trên điểm sàn xét tuyển thì mới được dự tuyển. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho những thí sinh có tổng điểm ba môn quá thấp chủ động tìm các cơ hội học tập và tìm việc làm khác. Quy định điểm sàn sẽ bảo đảm chắc chắn tất cả thí sinh có điểm từ điểm sàn trở lên được xét tuyển vào đại học.

 

Mức điểm sàn đã được thực hiện khá suôn sẻ trong 3 năm qua, không hề gây “sốc” cho thí sinh và đã trở thành một khâu không thể thiếu trong quá trình tuyển sinh.

 

Trong hai năm 2005 và 2006, điểm sàn luôn ở mức 14, 15 điểm. Đây cũng được xem là mức điểm khá hài hoà và đã đạt điều kiện tối thiểu về học lực trung bình của mỗi thí sinh được phép xét tuyển vào ĐH.

 

Bộ GD-ĐT với chủ trương ngày càng phân cấp cho các trường nên việc một số trường ĐH “phớt” điểm sàn của Bộ và tự định điểm chuẩn trước là điều có thể chấp nhận được, nhất là mức điểm chuẩn đó thường vượt xa mức điểm sàn hàng năm - Thứ trưởng Long cho hay.

 

Cũng theo Thứ trưởng Long thì các trường đã ngày càng ý thức được việc định điểm chuẩn  đầu vào chính là một trong những công việc để xây dựng “thương hiệu”. Vì thế, mức điểm sàn mà Bộ định ra sẽ chỉ có tính chất tham khảo với phần lớn các trường còn với một số trường khó tuyến sinh, mức điểm sàn này sẽ giúp trường đảm bảo được chất lượng đầu vào tối thiểu.

 

Mai Minh