Quảng Ngãi:

Trường “trắng” bể bơi, dạy môn bơi bỏ ngỏ

(Dân trí) - Sau vụ 9 học sinh cùng chết đuối, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục Quảng Ngãi mới “giật mình”. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn cách đây 3 năm, về triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 1 trường vùng nông thôn có bể bơi.

Qua thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 430 trường học các cấp nhưng có duy nhất trường THCS Phổ Vinh (huyện Đức Phổ) đã đầu tư xây dựng bể bơi khoảng 400m2.

Thầy giáo Nguyễn Đường - Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Vinh cho biết: “Đưa vào sử dụng được 2 năm qua, hầu hết học sinh nhà trường đã biết bơi, hạn chế tối đa các sự cố về chết đuối nước ở nhà trường cũng như học sinh địa phương. Tuy nhiên, nhà trường không có nguồn kinh phí duy trì 10 buổi/tuần mà chỉ cố gắng dạy bơi được 3 buổi/tuần”.

Học sinh vùng sông, biển cần có kỹ năng bơi lội để phòng tránh đuối nước đáng tiếc xảy ra.
Học sinh vùng sông, biển cần có kỹ năng bơi lội để phòng tránh đuối nước đáng tiếc xảy ra.

Bể bơi trường THCS Phổ Vinh là bể bơi đầu tiên trong trường học, được Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ đầu tư 4,7 tỷ đồng vào năm 2013. Diện tích bể bơi dài 25m, rộng 16m và sâu ở 3 mức (1,1m; 1,4m và 1,6m). Đến tháng 3/2014, bổ bơi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng phục vụ cho 440 học sinh nhà trường.

“Mỗi dịp hè, Tỉnh đoàn tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em, khoảng từ 100 - 120 trẻ em. Dịp hè năm 2016, chúng tôi dạy bơi miễn phí cho hơn 200 trẻ em, học sinh hoặc có thể hơn. Ngoài việc dạy bơi, các em được đào tạo kỹ năng cứu bạn đuối nước, sơ cứu ban đầu và kỹ năng xử lý tình huống dưới nước cùng như trên bờ”, chị Hà Thị Anh Thư - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi nói.

Theo thầy Nguyễn Đường, nếu tăng số tiết dạy bơi lên 10 tiết/tuần, nhà trường phải trả thêm tiền ngoài giờ với 70.000 đồng/tiết/người. Với 3 giáo viên dạy bơi, nhà trường phải chi khoảng 50 triệu đồng/năm, đây là khoảng kinh phí vượt quá khả năng nguồn ngân sách của nhà trường.

Với chi phí đầu tư bể bơi như trên, mỗi bể bơi cần khoảng 5 tỷ đồng, khi triển khai ở 430 trường học thì số tiền đầu tư khoảng 2.150 tỷ đồng.

“Thực hiện đề án xây bể bơi ở trường học, cần nguồn kinh phí quá lớn và địa phương khó thực hiện. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương dạy bơi cho học sinh bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức xã hội hóa. Chúng tôi hi vọng tất cả học sinh đều được học bơi, bổ sung kỹ năng bơi và phòng tránh đuối nước”, ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, Quảng Ngãi là địa phương có nhiều con sông lớn gồm Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng và giáp biển. Do đó, học sinh có nhiều điều kiện tiếp xúc với sông, biển và nguy cơ đuối nước khó tránh khỏi. Hiện nay, ngoài bể bơi ở trường THCS Phổ Vinh nêu trên, toàn tỉnh Quảng Ngãi “trắng” bể bơi ở tất cả các trường học từ mầm non đến THPT. Kéo theo đó, dạy bơi cho học sinh tại trường coi như bỏ ngỏ.

Bên cạnh những công trình hàng trăm tỷ đồng, trẻ em Quảng Ngãi khát khao có sân chơi và bể bơi đúng nghĩa.
Bên cạnh những công trình hàng trăm tỷ đồng, trẻ em Quảng Ngãi khát khao có sân chơi và bể bơi đúng nghĩa.

Ý kiến thầy Bùi Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà (ngôi trường có 9 học sinh lớp 6B chết đuối) bày tỏ: “Nếu đầu tư bể bơi ở từng trường thì chi phí quá lớn, tôi rất mong đầu tư bể bơi chung phục vụ ở khu Đông (TP Quảng Ngãi), chỉ có vậy, học sinh ở khu vực này thuộc 5 xã mới có điều kiện học bơi”.

Sau khi xảy ra trường hợp 9 học sinh chết đuối, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản hỏa tốc số 1779, về tăng cường công tác quản lý học sinh tắm sông, suối, biển trong mùa nắng nóng. Giao UBND các cấp cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, cắm biển cảnh báo ở khu vực sông, suối, biển có nguy cơ xảy ra nguy hiểm. Chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với nhà trường, chính quyền quán triệt cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và có biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường công tác quản lý học sinh trong và ngoài giờ học; không để học sinh tự ý tắm sông, suối, biển để xảy ra tai nạn thương tâm.

Hồng Long