Thanh Hóa:

Trường vùng cao thường trực nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu đầu cấp

(Dân trí) - Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp luôn là vấn đề "đau đầu" đối với các nhà quản lý giáo dục cũng như các thầy cô giáo ở vùng cao Thanh Hóa. Nhiều cán bộ, giáo viên phải lặn lội đến tận những bản làng để làm công tác tuyển sinh.

Khác hẳn với bức tranh tuyển sinh đầu vào các cấp học ở khu vực đô thị, miền xuôi, ở khu vực miền núi, cứ đến mỗi kỳ tuyển sinh là các thầy cô cũng như ngành giáo dục luôn thường trực nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu.

Điều kiện học tập của học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Điều kiện học tập của học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Công tác tuyển sinh đầu cấp được đánh giá khả quan tại địa bàn huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) với tỷ lệ Tiểu học đạt 100%, THCS 99,04%, THPT 86,4%. Không có thí sinh bị điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015. Phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa đã tuyển được 2 lớp mũi nhọn, đặt tại Trường THCS Hồi Xuân tiến tới mục tiêu thành lập trường chất lượng cao trước năm 2020.

Tuy nhiên, nhìn vào con số thống kê điểm tuyển vào lớp 10 THPT nhiều người không khỏi băn khoăn vì mức điểm quá thấp. Điểm bình quân học sinh toàn huyện Quan Hóa dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015 là 3,5 điểm. Trong đó, nhiều xã học sinh có điểm bình quân 3 môn dự thi thấp như: Xã Thanh Xuân 2,6 điểm, Nam Xuân 2,8 điểm, Hiền Chung 2,9 điểm, Phú Thanh 2,9 điểm, Thiên Phủ và Phú Xuân 3,0 điểm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên theo đánh giá của ngành giáo dục Quan Hóa là công tác tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài và tâm lý học sinh dự thi còn hạn chế.

Số học sinh đăng ký thi và điểm thi vào lớp 10 THPT giữa các xã, thị trấn không đều. Nhiều xã có tỷ lệ học sinh dự thi thấp như: Thanh Xuân 36,45%, Trung Sơn 38,7%, Hiền Kiệt 46,2%, Thành Sơn 47,4%... Tỷ lệ đăng ký vào học tại Trung tâm GDTX đạt thấp, chỉ đạ 18% chỉ tiêu được giao.

Điều kiện học tập của học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Trường THCS xã Tân Lập (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đặt tại một trong những huyện nghèo của Thanh Hóa.

Nhiều năm trở lại đây, tuyển sinh đầu cấp THPT không hết chỉ tiêu được giao. Năm 2014, Trường THPT Quan Hóa chỉ đạt 89%, THCS và THPT dân tộc nội trú 83,3%, Trung tâm GDTX đạt 18%.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Phạm Anh Toàn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa cho biết: “Chúng tôi rất trăn trở, nếu tình điểm bình quân đầu vào so với miền xuôi thì còn thấp. Nguyên nhân chính là việc ôn tập kiến thức, đặc biệt là rèn kỹ năng làm bài nên thường thấp hơn so với miền xuôi. Tuy nhiên, so với miền núi thì thuộc tốp trung bình”.

Từ đó, ông Toàn cho biết về giải pháp của ngành giáo dục huyện Quan Hóa là củng cố lại kiến thức, đặc biệt là kỹ năng, phấn đấu điểm bình quân năm nay tăng lên. Cũng theo ông Toàn, điểm bình quân năm vừa qua là tăng lên so với các năm trước đó. Mặc dù điểm thấp, nhưng chỉ cần học sinh không bị điểm liệt là có thể vào lớp 10.

Trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT cao hơn, đạt chỉ tiêu được giao. Những năm trước đó, chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào lớp 10 chỉ đạt khoảng 50%. Nhưng những năm gần đây, ngành giáo dục huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức công tác tuyên truyền, vận động học sinh đi học.

Còn theo thầy Phạm Văn Nghĩa - Hiệu phó Trường THPT Bá Thước, huyện Bá Thước thì năm học 2014 - 2015 thì những thí sinh dự thi vào trường chỉ đạt điểm bình quân 3 môn khoảng 3 điểm. Dù điểm thấp, nhưng những năm gần đây, nhà trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo thầy Nghĩa, chỉ cần học sinh nào không bị điểm liệt là có thể thấy vào học cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những học sinh thi vào các trường chuyên, trường dân tộc nội trú tỉnh đều đạt điểm cao, có sự cạnh tranh với học sinh miền xuôi.

Cách trở đò ngang cũng ảnh hưởng đến chất lượng học với nhiều học sinh miền núi.
Cách trở đò ngang cũng ảnh hưởng đến chất lượng học với nhiều học sinh miền núi.

Cũng theo ông Cầm Bá Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Xuân thì theo quy định, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là được vào lớp 10 THPT. Hàng năm, Phòng GD-ĐT giao cho các trường làm việc với Hội Khuyến học các xã phối hợp với vận động các cháu đi học. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giáo dục thì do tâm lý học ra không tìm được việc làm nên thường hết cấp 2 là nhiều học sinh bỏ học ở nhà hoặc vào miền Nam đi làm công nhân.

Cùng với đó, Phòng GD-ĐT cũng chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động cho các cháu đi học. Tuy nhiên, nhiều gia đình nhất quyết không cho con đi học tiếp. Chỉ tiêu hàng năm có những trường vùng cao chỉ đạt 50 - 60%. Với các em học sinh thi vào lớp 10 THPT chỉ cần tránh điểm liệt là được vào. Cũng theo khẳng định của ông Nguyên, mặc dù có những trường hợp nhà trường ép, nhưng các học sinh chỉ đi thi cho có.

Duy Tuyên