Tự chủ đại học - Con đường chông gai

Điều đặc biệt cần xem xét là sửa đổi Luật Giáo dục năm 2005 vì điều 20 vẫn còn “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi” trong khi xu hướng hiện nay là chấp nhận cơ chế thị trường trong giáo dục đại học....

Thời gian qua, khá nhiều quy định của Chính phủ về đổi mới giáo dục Việt Nam đã được ban hành, đặc biệt Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, giai đoạn 2006-2020. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý có tính toàn diện, triệt để và sâu sắc nhất từ trước đến nay về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, một số vấn đề nêu lên trong nghị quyết còn khá chung chung và thiếu lộ trình/thời gian/cách thức thực hiện. Trong bài viết dưới đây, người viết tập trung vào vấn đề tự chủ đại học được nêu trong nghị quyết cũng như trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 và điều lệ trường đại học ban hành năm 2003, bởi đây là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với việc đổi mới giáo dục đại học nước nhà.

 

Thứ nhất, trong phần 2, mục e về việc “đổi mới cơ chế quản lý”, nghị quyết ghi rõ: “Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính”. Có thể thấy, mục tiêu này được xây dựng dựa trên các quy định, nghị định và luật được ban hành trước đây, đặc biệt điều lệ trường đại học năm 2003. Tuy nhiên, khi nào và bằng cách nào trường đại học công lập được “hoạt động theo cơ chế tự chủ” và “có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính” thì không thấy được đề cập.

 

Trên thực tế, trường đại học công lập không có quyền tự chủ bởi mặc dù Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 có quy định trường đại học được “xây dựng chương trình, giáo trình... xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh...” nhưng trên thực tế các trường đều phải làm theo quy định/hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù điều lệ trường đại học ban hành năm 2003 (tức cách đây bốn năm) quy định các trường đại học phải thiết lập hội đồng trường bởi đây là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường, nơi xét duyệt và “quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường” nhưng cho đến nay có rất ít trường làm được điều này hoặc có nhưng không đúng nghĩa. Giáo sư Đặng Ưng Vận (Văn phòng Hội đồng Giáo dục quốc gia) nhận xét: “Chúng ta chưa định hình rõ mô hình hội đồng trường đại học” bởi “nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài khuôn khổ đại học  truyền thống”.

  

Một vấn đề cần phải xem xét lại từ điều lệ trường đại học năm 2003 là “khi hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị hoặc kết luận của hội đồng trường thì kịp thời báo cáo xin ý kiến cơ quan chủ quản”. Như vậy, hiệu trưởng có quyền phản đối quyết định của hội đồng trường - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường - bằng cách “xin ý kiến cơ quan chủ quản”. Điều này cho thấy vai trò của hội đồng trường không hề được xem trọng và bị hiểu lầm chỉ là cơ quan tư vấn cho hiệu trưởng (không có thực quyền). Song song đó, nghị quyết quy định nhà trường “có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu” nhưng không rõ trách nhiệm “đào tạo” thể hiện ở điểm nào. Nếu được quyền quyết định về đào tạo thì liệu nhà trường có được tự do trong việc hình thành chương trình giảng dạy riêng và không theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

 

Về vấn đề này, PGS.TS. Đào Công Tiến (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM) phát biểu: “Với không ít lĩnh vực học thuật được đưa vào chương trình giáo dục đại học như là những “phần cứng”, ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có quyền thay đổi, nói gì đến tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nghiên cứu, sáng tạo của trường, của nhà giáo đại học để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện...” (VietnamNet ngày 23-10-2006).

 

Thứ hai, nghị quyết chỉ rõ “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học”. Việc xóa bỏ cơ chế chủ quản là việc làm đáng hoan nghênh bởi việc quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo đại học sẽ tập trung vào đầu mối quản lý của bộ giáo dục (theo thông lệ của các nước tiên tiến). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là ở Việt Nam có đến 13 bộ ngành cùng tham gia quản lý các trường đại học. Việc sắp xếp và điều hành sẽ thực hiện ra sao, lộ trình thực hiện thế nào, mâu thuẫn nào sẽ nảy sinh, phương thức giải quyết liên bộ như thế nào... không thấy được đề cập.  

  

Thứ ba, nghị quyết quy định “quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; chỉ đạo triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định giáo dục đại học; hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; điều tiết vĩ mô cơ cấu và quy mô giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ”. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ đối với việc đổi mới, đặc biệt ở phần bảo đảm và kiểm định chất lượng đại học.  

 

Tuy nhiên, việc Chính phủ gần đây đồng ý cho thành lập đại trà các trường đại học ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước chủ yếu trên cơ sở nâng cấp từ các trường cao đẳng sư phạm sẽ dẫn đến việc kiểm định và bảo đảm chất lượng ngày càng khó khăn. Chất lượng và uy tín của trường đại học sẽ sụt giảm nghiêm trọng nếu tình hình này tiếp tục tiếp diễn. Trong khi đó, việc quản lý và kiểm định chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì trong hai năm qua dường như chưa thấy được kết quả/báo cáo cụ thể ngoại trừ việc tự đánh giá diễn ra ở các trường trọng điểm.  

 

Thứ tư là việc “xây dựng Luật Giáo dục đại học”. Đây là việc cần được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt bởi Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 (điều 60) chỉ đưa ra những quy định chung về “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm” của trường đại học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa biết được khi nào Luật Giáo dục đại học được soạn thảo và trình Quốc hội thông qua. Điều đặc biệt cần xem xét là sửa đổi Luật Giáo dục năm 2005 vì điều 20 vẫn còn “cấm lợi dụng các hoạt  động giáo dục vì mục đích vụ lợi” trong khi xu hướng hiện nay là chấp nhận cơ chế thị trường trong giáo dục đại học. Nếu luật còn “nghiêm cấm” thì không thể tiến hành quản trị nhà trường theo mô hình công ty theo như cách làm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng như xác lập quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm thật sự cho các trường đại học Việt Nam.

 

Theo Đào Văn Khanh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn