Tự chủ Đại học tại Việt Nam: Nên hay không nên?

Theo các chuyên gia tham dự bàn tròn Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) tổ chức, tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu.

"Tự chủ Đại học" có phải là một xu hướng tất yếu? Xu hướng tại Pháp và châu Âu ra sao cũng như rút ra bài học nào cho Việt Nam? Đó là những câu hỏi mà bàn tròn giáo dục lần 2 do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) đưa ra.

Tham dự bàn tròn giáo dục lần 2 của Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp tổ chức có nhiều giáo sư, giảng viên có uy tín người Việt và người Pháp. Trong đó có những tên tuổi lớn như Giáo sư Lê Văn Cường, Đại học kinh tế Paris; Giáo sư Bosi Stefano, Phó Giám đốc khoa học, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS); Giáo sư Diệp Thế Hùng, Hiệu phó Đại học Cergy-Pontoise; Giáo sư Ngô-Mai Stephane, Hiệu phó Đại học Nice Sophia Antipolis ...

Tiếp theo bàn tròn đầu tiên bàn về triết lý giáo dục, bàn tròn thứ hai đi sâu vào một vấn đề thực tiễn mà ngành giáo dục thế giới nói chung, châu Âu nói riêng quan tâm từ nhiều năm qua: "Tự chủ giáo dục".

Toàn cảnh bàn tròn giáo dục
Toàn cảnh bàn tròn giáo dục.

Tự chủ Đại học - Bài toán đau đầu của nhiều quốc gia

Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại Pháp và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, các giáo sư tham gia bàn tròn đều nhận thấy nhiều trường đại học hàng đầu thế giới tự chủ và độc lập phát triển, đặc biệt tại Mỹ như Havard, Berkeley.

Nói về lý do lựa chọn thảo luận chủ đề "Tự chủ đại học" trong bàn tròn giáo dục lần 2, Tiến sỹ ngành khoa học giáo dục Nguyễn Thụy Phương, Giảng viên Đại học Paris 7, thành viên ban tổ chức loạt bàn tròn giáo dục, cho biết: "Chúng tôi chọn Tự chủ đại học là một chủ điểm, bắt nguồn từ thực tế một vấn đề thời sự nóng bỏng ở Việt Nam. Pháp đã thực hiện việc này từ 2007, còn Việt Nam mới triển khai từ từ 2012. Như vậy về thời điểm, chúng ta và Pháp đang cùng trong quá trình thực hiện. Vì thế, chúng tôi muốn chọn, tìm hiểu để Việt Nam có thể nghiên cứu cách đi riêng".

Tại châu Âu, từ đầu những năm 2000, cộng đồng chung đã đề nghị các nước thành viên nghiên cứu trao tự chủ cho đại học nhằm tăng sức cạnh tranh trên tầm quốc tế, nhằm đổi mới giáo dục và tăng vai trò trong nền kinh tế.

Bài toán về "Tự chủ giáo dục" cũng đang là vấn đề thời sự tại Pháp, khi nước này triển khai thực hiện đạo luật về tự chủ đại học được đưa ra vào năm 2007 - Luật Tự do và trách nhiệm của các trường đại học (LRU - hay còn gọi là Luật Pécresse - tên bộ trưởng giáo dục Pháp lúc đó). Bộ luật này nhằm mục đích làm cho các trường đại học có sức hút lớn hơn, thoát ra khỏi sự thiếu năng động trong quản lý hiện tại, tăng sự đổi mới, tăng khả năng cạnh tranh cao hơn trên bình diện quốc tế, mà cụ thể là trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Các diễn giả chính tại bàn tròn giáo dục lần 2
Các diễn giả chính tại bàn tròn giáo dục lần 2.

Hiểu thế nào về Tự chủ giáo dục?

Theo các chuyên gia tham gia bàn tròn giáo dục lần 2, cách hiểu về tự chủ đại học cũng không giống nhau trên thế giới. Theo một báo cáo của Liên hiệp các Đại học châu Âu, tự chủ đại học bao gồm sự tự chủ trong 4 lĩnh vực gồm có tự chủ học thuật; tự chủ về quản lý tài chính; tự chủ về tổ chức và tự chủ về cán bộ và nhân viên.

Không thể phủ nhận nhiều lợi ích cụ thể của tự chủ đại học như giảm lãng phí trong chi tiêu, tăng hiệu quả hoạt động, chọn lọc cao trong tuyển dụng...

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng đến từ Đại học Toulouse 3 nhận định việc để các trường đại học có tự chủ về tài chính là cần thiết để tăng cạnh tranh về chất lượng giáo dục: "Tự chủ tài chính đặc biệt quan trọng. Những nước tốt nhất trên thế giới đều là những trường có tự chủ tài chính rất cao, có thể trả lương cao cho các giáo sư, thì mới có chất lượng giảng dạy cao nhất, thu hút được các giáo sư giỏi nhất. Tự chủ đó quan trọng trong việc cạnh tranh giữa các đại học, trong bối cảnh thế giới đại đồng, thì cạnh tranh quốc tế rất cần thiết".

Tự chủ Đại học tại Việt Nam: Nên hay không nên?

Theo các chuyên gia tham dự bàn tròn, tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu. Tại Việt Nam, đã có một số đại học công lớn được đưa vào thí điểm thực hiện xu hướng này. Tuy nhiên, cần xác định thời điểm thích hợp, quy mô phù hợp với những quy chế chín muồi.

Trả lời PV VOV, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp phân tích tình hình ở Pháp và bày tỏ suy nghĩ về câu hỏi tự chủ đại học ở Việt Nam: "Tự chủ giáo dục là chủ đề mà không chỉ Việt Nam quan tâm mà hầu hết các nước đều quan tâm. Các trường đại học của Pháp có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc tế còn thấp vì nhiều lý do mà trong đó có việc tự chủ tài chính. Các đại học ở Pháp không được quyền tự chủ tuyển chọn sinh viên chất lượng cao, quản lý quyết sách mức học phí, cũng như không được quyền tự chọn các giáo viên phù hợp với nhu cầu của trường mà phải tuân thủ các quy trình hành chính và thủ tục khác nhau, nhiều khi không liên quan đến nhu cầu của các trường đại học. Ở Việt Nam, đây là một vấn đề lớn được bàn thảo mà chúng tôi nghĩ rằng cần thiết bởi khi các trường đại học được tự chủ thì họ sẽ tìm ra hướng đi phù hợp, tất nhiên chúng ta phải đặt trong khung cảnh các trường đại học là phục vụ sự nghiệp và phù hợp với mong muốn của tất cả người dân".

GS Nguyễn Đức Khương
GS Nguyễn Đức Khương.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Khương, Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, lập những bàn tròn giáo dục để lắng nghe các ý kiến và đưa đến những nhà quản lý chính sách ở Việt Nam.

Kết thúc bàn tròn giáo dục lần 2 về chủ đề "Tự chủ giáo dục", Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp kiến nghị để có một quá trình tự chủ đại học hiệu quả ở Việt Nam, cần chú ý: xác định rõ mục tiêu của tự chủ; đánh giá kết quả tự chủ của các trường thí điểm; từ đó xây dựng một quá trình tự chủ hóa từng bước một với các thời điểm rõ ràng; chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cần thiết; cơ chế quản lý minh bạch, hiệu quả; tăng trình độ học thuật của giảng viên; tuyên truyền xã hội để toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư vào giáo dục...

Theo Thùy Vân
VOV